Tăng niềm tin cho khách hàng
Tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo quyết định này, một trong những điều kiện bắt buộc đối với sản phẩm đề nghị xét, công nhận 4 sao trở lên là phải có nhãn hiệu đã được đăng ký.
Các sản phẩm gắn với cộng đồng địa phương cần được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và dấu hiệu bảo hộ nguồn gốc địa lý phải được sử dụng thực tế.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động này, trong những năm qua, nhiều chủ thể OCOP Đắk Nông đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, nhãn mác, logo… Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường, bảo đảm chất lượng và nguồn gốc rõ ràng.
Cà phê chế biến ướt của Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp là sản phẩm OCOP 3 sao. Ông Trương Công Hiệp, Giám đốc Công ty, cho biết doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm cà phê Bốn Hiệp.
Đăng ký bảo hộ đã giúp doanh nghiệp khẳng định đặc trưng của cà phê Bốn Hiệp, đặc biệt là quy trình chế biến ướt. Quy trình này có ưu điểm nổi bật so với chế biến khô nhờ tạo ra hương vị đặc biệt thông qua quá trình lên men.
Bảo hộ và quản lý quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản của cà phê Bốn Hiệp giúp duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm nói chung, OCOP nói riêng.
Các tiêu chuẩn về mẫu mã, tem nhãn của doanh nghiệp đều tuân theo quy trình nghiêm ngặt, giúp công ty xây dựng uy tín và ngăn chặn hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Nhờ đó, sản phẩm của công ty dễ được nhận diện và tăng niềm tin với khách hàng, đặc biệt là những khách hàng khó tính. Thị trường đầu ra sản phẩm của công ty vì thế cũng tốt hơn.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) cho biết, HTX có 2 sản phẩm OCOP hạng 4 sao là cam và quýt.
Cả 2 sản phẩm đều đã được bảo hộ nhãn hiệu gắn với đặc trưng địa lý núi lửa Nam Kar, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Nhờ bảo hộ nhãn hiệu, sản phẩm của HTX dễ dàng tiếp cận với khách hàng.
Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 100 tấn cam và hơn 50 tấn quýt cung cấp ra thị trường. Sản phẩm của HTX được bán với giá cao gấp 3-4 lần so với cam, quýt thông thường trên thị trường.
Vụ vừa rồi, HTX bán cam với giá 50.000 đồng/kg, quýt 75.000 đồng/kg. Phần lớn sản phẩm của HTX đều được cung cấp cho các thị trường lớn trong nước.
Trong đó, HTX tiêu thụ sản phẩm thông qua các đối tác lớn như Công ty Kata của Nhật Bản và hệ thống cửa hàng “Bác Tôm” trên toàn quốc. Đây là những đối tác truyền thống, lâu năm của HTX.
Theo quy định hiện hành, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến sản phẩm nông nghiệp, thuộc về Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN).
Các lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp được cấp quyền sở hữu trí tuệ gồm: nhãn hiệu (tên thương mại, logo của sản phẩm); chỉ dẫn địa lý (các sản phẩm nông nghiệp gắn liền với địa danh đặc thù); kiểu dáng công nghiệp (các hình dạng, mẫu mã bao bì của sản phẩm); quy trình sản xuất.
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) có thẩm quyền cấp chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ cho giống cây trồng đối với các giống mới (gồm cả cây lương thực, cây ăn quả và các loại cây nông nghiệp khác).
Tiêu chí nâng tầm sản phẩm
Quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sáng tạo, bảo vệ lợi ích kinh tế và xã hội của cá nhân, doanh nghiệp, và quốc gia.
Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ khuyến khích sự đổi mới bằng cách cung cấp cho người sáng tạo quyền kiểm soát và lợi ích tài chính từ các sản phẩm trí tuệ của mình như sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền hay chỉ dẫn địa lý…
Đối với doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ giúp xây dựng thương hiệu, bảo vệ sản phẩm khỏi sự sao chép, gian lận, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ giúp xác định nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm địa phương thông qua chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể.
Về mặt tổng thể, sở hữu trí tuệ thúc đẩy nền kinh tế tri thức, góp phần phát triển công nghệ và khoa học, bảo vệ tài sản trí tuệ trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Sở hữu trí tuệ tạo ra cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các nhà sáng tạo, góp phần thu hút đầu tư, nâng cao uy tín và vị thế sản phẩm, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững và cạnh tranh kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Tân, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ – sở hữu trí tuệ (Sở KH-CN) cho biết, nhãn hiệu được bảo hộ là nền tảng để các tổ chức, cá nhân tham gia các hệ thống chứng nhận như OCOP.
Khi sản phẩm, dịch vụ được cấp văn bằng bảo hộ và chứng nhận OCOP, giá trị sẽ được nâng cao, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và có sức cạnh tranh lớn hơn trên thị trường.
Trong những năm qua, Sở KH-CN đã phối hợp với các sở, ngành liên quan để ban hành các chương trình thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm Đắk Nông.
Sở KH-CN đã nâng cao nhận thức về việc xây dựng và bảo hộ tài sản trí tuệ, đặc biệt đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, hạt điều…
Ngoài ra, Sở KH-CN cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 431/KH-UBND ngày 23/6/2021 về thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Quy chế phối hợp số 1686/QC-SKHCN-SNN-SCT ngày 17/7/2023 về việc phối hợp giữa các sở, ngành để thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2023-2025.
Cũng theo ông Tân, Sở KH-CN sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp để hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị và mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cho sản phẩm OCOP Đắk Nông.
“Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là bước đầu. Việc tạo dựng thương hiệu và lòng tin của người tiêu dùng là một quá trình dài, đòi hỏi sự ổn định và nỗ lực của các chủ thể OCOP”, ông Tân cho biết.
Tính đến nay, Đắk Nông đã xây dựng được 96 sản phẩm OCOP; trong đó, có 78 sản phẩm 3 sao; 18 sản phẩm 4 sao trở lên. Các sản phẩm này đều đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ theo quy định.
Nguồn: https://baodaknong.vn/quyen-so-huu-tri-tue-ve-thong-hanh-cho-san-pham-ocop-228548.html