Nhiều khâu bắt buộc
Ngày 23/6/2023, Liên minh châu Âu đã ban hành Quy định chống phá rừng (EUDR) nhằm ngăn chặn các sản phẩm liên quan đến phá rừng thâm nhập vào thị trường châu Âu.
Theo đó, từ ngày 30/12/2025, quy định EUDR sẽ có hiệu lực đối với các nhà điều hành và thương nhân lớn; từ ngày 30/6/2026, đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.
Khi thực hiện quy định EUDR, nhiều mặt hàng nông sản như gỗ, cà phê, ca cao, dầu cọ, đậu nành, thịt bò và cao su của Việt Nam phải chứng minh không liên quan đến phá rừng sau ngày 31/12/2020.
Đồng thời, sản phẩm hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng và tuân thủ luật pháp địa phương. Nếu vi phạm, sản phẩm sẽ bị cấm nhập khẩu vào châu Âu và doanh nghiệp có thể chịu phạt nặng.
Theo Sở Công thương, Đắk Nông có các sản phẩm chịu tác động từ quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) gồm: cà phê, ca cao, gỗ, đậu nành, thịt bò và cao su.
Theo ông Trương Tất Đơ, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN – PTNT, để tuân thủ EUDR, các doanh nghiệp cần thực hiện các bước cụ thể theo hướng dẫn từ Forests Forward của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF).
Đầu tiên, doanh nghiệp cần hiểu rõ quy định, bao gồm việc cấm nhập khẩu các sản phẩm và hàng hóa liên quan đến khai thác rừng hoặc thương mại bất hợp pháp. Doanh nghiệp rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng để bảo đảm tất cả nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc hợp pháp và không gây phá rừng.
Việc xác minh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm đóng vai trò quan trọng. Do đó, yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống để lưu giữ tài liệu chứng minh nguồn gốc hợp pháp sản phẩm. Các doanh nghiệp phải bảo đảm nhà cung cấp nguyên liệu có chứng nhận hợp pháp, thông qua các tiêu chuẩn quốc tế hoặc chứng nhận từ tổ chức uy tín.
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm tuân thủ quy định EUDR trong nội bộ doanh nghiệp cũng rất cần thiết. Đây là cách để doanh nghiệp am hiểu, vận dụng, thực hiện tốt EUDR.
Cuối cùng, các doanh nghiệp cần thiết lập cơ chế theo dõi và báo cáo định kỳ về tình trạng tuân thủ quy định EUDR; đồng thời cập nhật quy trình để đáp ứng các thay đổi trong quy định EUDR.
Những bước này không chỉ giúp doanh nghiệp đạt chứng nhận quy định EUDR, tránh vi phạm pháp luật mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Thách thức cần vượt qua
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT Đắk Nông cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ còn khoảng 12 tháng nữa là phải thực hiện yêu cầu của quy định EUDR.
Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện các quy định của quy định EUDR đối với doanh nghiệp Đắk Nông vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và rất đáng lo ngại.
Theo ông Bùi Đức Hào, Điều phối viên Chương trình Cảnh quan và cà phê tại khu vực Tây Nguyên (Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững – IDH), những yêu cầu của quy định EUDR là thách thức lớn đối với nhiều nhà sản xuất và xuất khẩu.
Nguyên nhân là do dữ liệu cần thiết ở cấp độ nông hộ, dữ liệu về tình trạng phá rừng, cấu trúc và công cụ thường thay đổi qua từng thời điểm.
Việc xây dựng nguồn dữ liệu mở và quá trình truy xuất nguồn gốc đất đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn. Với số liệu từ hàng ngàn mảnh vườn, doanh nghiệp Đắk Nông sẽ rất khó để xác minh nguồn gốc.
Trong đó, riêng cà phê có 75% số vườn ở Đắk Nông hiện chưa có dữ liệu định vị theo tiêu chuẩn quy định EUDR. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc trong thời gian ngắn là rất cấp bách.
Theo các doanh nghiệp, việc thu thập dữ liệu từ các mảnh vườn đòi hỏi chi phí rất cao. Do đó, các đơn vị cần chia sẻ xây dựng hệ thống dữ liệu để giúp giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc đăng ký chứng nhận EUDR.
Hiện nay, chi phí xuất khẩu nhiều mặt hàng sang châu Âu tăng do phát sinh các thủ tục truy xuất nguồn gốc và đầu tư công nghệ. Đây là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Phát triển nông nghiệp bền vững – Simexco Đắk Lắk, chia sẻ: “Hiện nay, các công ty xuất khẩu rất lo lắng. Chỉ riêng việc truy xuất nguồn gốc đã khiến doanh nghiệp gặp rủi ro rất lớn”.
Theo ông Bạch Thanh Tuấn, đại diện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), hiệp hội đã đề xuất Bộ NN – PTNT xây dựng một khung hành động dựa trên kết quả nghiên cứu và minh bạch hóa quy trình. Nếu không, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rắc rối trong việc tiếp cận chứng nhận EUDR.
“Hiện nay, việc áp dụng khoa học công nghệ và xây dựng cơ sở dữ liệu mở là tối cần thiết. Vì xác định EUDR trên cánh đồng đã tốn kém, việc luân chuyển và báo cáo thẩm định càng khiến doanh nghiệp Việt Nam tốn kém hơn, ảnh hưởng đến duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Tuấn nói.
Chứng nhận EUDR (European Union Deforestation Regulation) là chứng nhận cho các sản phẩm không gây mất rừng và hợp pháp, được yêu cầu khi nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu. Chứng nhận này sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2025.
Nguồn: https://baodaknong.vn/doanh-nghiep-dak-nong-lam-gi-de-co-chung-nhan-eudr-238823.html