Vẫn tình trạng ì ạch
Trong năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công tại Đắk Nông là 2.391 tỷ đồng (không bao gồm 558 tỷ đồng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia). Đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh giải ngân gần 230 tỷ đồng, đạt gần 10% kế hoạch vốn. Với kết quả này, Đắk Nông thuộc những địa phương có mức giải ngân thấp dưới mức bình quân chung cả nước.
Theo Sở KH-ĐT Đắk Nông, nguyên nhân giải ngân vốn thấp là do thời gian đầu năm, các chủ đầu tư tập trung giải ngân số vốn còn lại của năm 2023. Các dự án năm 2024 chưa có khối lượng để thực hiện nghiệm thu, giải ngân.
Chưa kể, các khó khăn, vướng mắc từ năm 2023 kéo dài, nhưng chưa được tháo gỡ một cách triệt để, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đơn cử như Dự án đường Đạo Nghĩa – Quảng Khê (giai đoạn 2); Dự án cải tạo, nâng cấp cục bộ tỉnh lộ 5 và một số dự án khác đang nằm trong khu vực có quy hoạch thăm dò bô xít.
Dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa đang thiếu nguồn đất đắp, nên chậm tiến độ. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình vẫn chưa được khắc phục triệt để, dẫn đến dự án phải dừng thực hiện. Nổi bật là Dự án Hồ Gia Nghĩa, Dự án Khu liên hợp Bảo tàng, Thư viện và Công viên Đắk Nông…
Quyết liệt chỉ đạo xử lý
Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp một phần do yếu tố chủ quan. Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Đình Ninh, trong năm 2024, những công trình nào chậm, đơn vị sẽ kiên quyết tham mưu UBND tỉnh sớm có kế hoạch điều chuyển vốn.
Thực tế, trong năm 2023, trên địa bàn có khoảng 20 công trình, dự án không giải ngân kế hoạch vốn. Trong số này, nhiều dự án chậm là do nguyên nhân xuất phát từ chủ đầu tư.
“Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm 2024, chúng tôi sẽ mạnh dạn hơn trong việc rà soát, cân nhắc, điều chuyển vốn. Trên tinh thần làm kịp thời, quyết liệt, không nể nang, né tránh”, ông Ninh khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến nhấn mạnh, các huyện phải thực sự vào cuộc quyết liệt. Sở KH-ĐT dứt khoát hơn trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề điều chuyển vốn.
“Sở KH-ĐT cần phải tham mưu sớm, kiên quyết hơn. Tránh tình trạng nơi cần không có vốn, nơi có vốn không giải ngân được. Các địa phương linh hoạt trong quá trình thực hiện quy hoạch, giải quyết khó khăn vướng mắc để thực hiện”, Phó Chủ tịch Thường trực Lê Văn Chiến nhấn mạnh.
Tại hội nghị về giải ngân vốn đầu tư diễn ra ngày 6/3/2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười khẳng định, tỷ lệ giải ngân vốn thấp là do thiếu sự quyết tâm, quyết liệt của các sở, ngành, địa phương. Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chưa thật sự chặt chẽ.
“Ngay từ bây giờ, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn để tháo gỡ khó khăn. Các sở, ngành như TN-MT, Xây dựng, GT-VT… mạnh dạn phân cấp thẩm định công trình, dự án cho các huyện, thành phố. Riêng lãnh đạo các địa phương chủ động trao đổi với “tư lệnh” ngành để kịp thời giải quyết vướng mắc. Vướng ở đâu phải gỡ ở đó”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chỉ đạo.
Về giải ngân vốn đầu tư công, hiện nay, về cơ chế, tỉnh không còn vướng mắc gì với địa phương. Riêng những vướng mắc của Trung ương vẫn phải chấp nhận vì tình hình chung.
“Mỗi đơn vị, sở ngành linh hoạt, chủ động để thực hiện. Trong thẩm quyền của tỉnh, khó tới đâu, gỡ đến đó để phấn đấu đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Việc thanh tra, kiểm tra tiến độ, chất lượng công trình, dự án cần được chú trọng nhiều hơn nữa”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chỉ đạo.