Minh bạch hóa thông tin sản phẩm
Ngày 23/6/2023, Liên minh châu Âu đã ban hành quy định về chống phá rừng (EUDR). Mục tiêu của quy định EUDR đó là chống suy thoái rừng trên toàn cầu.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT Đắk Nông cho biết, quy định EUDR yêu cầu đối với 7 nhóm mặt hàng: ca cao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, gỗ, cao su và gia súc.
Ngoại trừ dầu cọ, Đắk Nông đều có các mặt hàng nằm trong diện điều chỉnh của quy định EUDR. Cà phê là sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu chủ yếu hiện nay của Đắk Nông, tiếp theo là cao su, ca cao và các sản phẩm còn lại.
Quy định về chống phá rừng được Liên minh châu Âu (EUDR) lùi thời hạn áp dụng tới 31/12/2025 đối với doanh nghiệp lớn; 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông có 2 sản phẩm trực tiếp chịu ảnh hưởng từ quy định EUDR. Thời gian qua, Công ty đã tìm hiểu thông tin, quy định của EUDR.
Theo anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty, điểm đáng chú ý của quy định EUDR là yêu cầu minh bạch hóa thông tin về sản phẩm, đặc biệt về nguồn gốc và khu vực sản xuất của các nông sản.
Đây là điều công ty quan tâm và đã chuẩn bị. Công ty sẽ rà soát các hộ sản xuất để thống kê, xác minh nguồn gốc đất và hỗ trợ nông dân về thủ tục minh bạch hóa thông tin.
Anh Hoàng cho biết, trong năm 2025, công ty sẽ mở rộng thị trường sang châu Âu đối với sản phẩm cà phê và ca cao. Vì thế, việc chuẩn bị để thích ứng với quy định EUDR là rất quan trọng.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, cà phê là sản phẩm chính của Đắk Nông xuất khẩu chính vào châu Âu và chịu tác động nhiều nhất từ quy định EUDR.
Cà phê chiếm khoảng 44% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đa số nông dân ở Đắk Nông đều có một vài mảnh vườn canh tác cà phê.
Đây là thách thức đối với Đắk Nông trong việc xác định vị trí tọa độ, nguồn gốc đất sản xuất cà phê. Diện tích cà phê lớn nhưng tỉ lệ sản xuất được chứng nhận thấp.
Theo ông Anh, Đắk Nông đang tích cực phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị chuyên môn rà soát, thống kê, xác định nguồn gốc đất sản xuất cà phê và nhiều loại cây trồng khác.
Đắk Nông sẽ sớm đưa ra hệ thống định vị đất canh tác để các doanh nghiệp xuất khẩu căn cứ tiến hành các thủ tục cấp phép từ EUDR và đưa nông sản vào châu Âu.
Nói về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết, UBND tỉnh đã ban hành khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định EUDR theo hướng dẫn của Bộ NN – PTNT.
Đắk Nông đã thành lập nhóm công tác công tư cấp tỉnh để triển khai khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định EUDR, trong đó đặc biệt chú trọng khâu minh bạch hóa thông tin sản phẩm.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện quy định EUDR hiệu quả và bền vững.
“Từ những khó khăn cho thấy, minh bạch thông tin cho nông sản Đắk Nông vào châu Âu đang rất cần sự đồng hành, đồng bộ, quyết tâm triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương, nông dân, doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh.
Sản xuất bền vững
Doanh nghiệp, HTX xuất khẩu hoặc có sản phẩm cung cấp cho đối tác để xuất khẩu vào châu Âu là đơn vị chịu tác động trực tiếp từ các quy định của quy định EUDR.
Nhiều doanh nghiệp, HTX ở Đắk Nông đã bình tĩnh triển khai các giải pháp thích ứng với quy định này. Trong đó, các doanh nghiệp, HTX đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, sản xuất nông nghiệp bền vững.
Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp đang triển khai 3 dự án sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn Rainforest, 4C Toàn Hằng, 4C Nestle, với 1.019 hộ tham gia, diện tích 4.168ha, sản lượng khoảng 12.000 tấn/vụ.
Diện tích cà phê của doanh nghiệp liên kết chủ yếu ở các vùng của huyện Đắk R’lấp, huyện Tuy Đức và TP. Gia Nghĩa. Bên cạnh chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, một phần sản lượng cà phê của doanh nghiệp Toàn Hằng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Ông Trương Công Toàn, Giám đốc Doanh nghiệp Toàn Hằng chia sẻ: “Hơn 10 năm trước, chúng tôi đã tham gia sản xuất cà phê bền vững. Đối với sản phẩm cà phê của chúng tôi đã tham gia vào chương trình RA, 4C cũng là một trong những lợi thế để thực hiện quy định EUDR”.
Theo ông Toàn, thời gian qua, doanh nghiệp đã hướng dẫn nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm theo tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường.
Một trong những yêu cầu cần đáp ứng khi cà phê vào châu Âu đó là phải chứng minh được không trồng trên đất rừng. Do đó, doanh nghiệp đã đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin và định hướng nên đa số các hộ dân liên kết đã chủ động làm sổ đất.
Đối với những hộ chưa có sổ, chưa làm sổ, muốn chứng minh đất trồng cà phê không thuộc đất phá rừng, doanh nghiệp hướng dẫn đến UBND cấp xã xác nhận nguồn gốc đất. “Đối với một số ít nông dân chưa làm sổ, chúng tôi đang tiếp tục hướng dẫn”, ông Toàn thông tin.
Ông Võ Quyết, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An, huyện Đắk Mil cho biết, HTX liên kết trồng, chăm sóc trên 460ha cà phê đạt các tiêu chuẩn RA, hữu cơ quốc tế FLO-Fair Trarde. Sản phẩm cà phê bột của HTX đạt OCOP 4 sao.
Toàn bộ thành viên của HTX đều sản xuất trên đất đã có sổ và đạt tiêu chuẩn nông sản sạch. Những năm qua, sản phẩm cà phê của HTX đã cung cấp cho các đối tác để xuất khẩu, trong đó có thị trường châu Âu.
Cà phê của HTX đa số trồng tại huyện Đắk Mil từ năm 1997 trở về trước. Những năm trước, các đoàn thanh tra của các tổ chức Fair Trarde, RA đã đến tận vườn của thành viên HTX xác minh diện tích trồng cà phê và định vị cụ thể.
“Theo quy định, nếu vườn nào ảnh hưởng đến rừng thì họ cương quyết không cho nông dân trở thành thành viên HXT. Vì thế, chúng tôi không lo lắng bởi các quy định của EUDR”, ông Quyết chia sẻ.
HTX Nông nghiệp Krông Nô hiện có 120ha ca cao trồng tại Krông Nô, Đắk Mil, Cư Jút. Anh Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX cho biết, quy định EUDR góp phần bảo vệ sức khỏe toàn cầu, bảo vệ được môi trường là điều rất tốt.
Vì thế, HTX tuân thủ các quy định về bảo vệ rừng và đây cũng là thuận lợi để đưa sản phẩm vào thị trường châu Âu, giúp tăng giá trị kinh tế cho người sản xuất.
Nắm bắt cơ hội
Tại hội thảo về quy định EUDR do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức vào ngày 7/11/2024 vừa qua, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT cho rằng, EUDR vừa là thách thức vừa là cơ hội cho nông nghiệp Đắk Nông.
Thách thức là khối lượng công việc và yêu cầu phải đáp ứng quy định EUDR cực kỳ phức tạp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Đắk Nông sắp xếp, tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng minh bạch và trách nhiệm.
Ông Phạm Tuấn Anh giải thích, Đắk Nông chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu, chưa minh bạch về cơ sở pháp lý sản xuất nông nghiệp.
Quy định EUDR là cơ hội lập lại trật tự, từng bước tránh được câu chuyện “được mùa mất giá”, nông dân bị thua thiệt trên tất cả các khía cạnh.
Bây giờ chính là lúc phải thiết lập lại “cuộc chơi”. Các doanh nghiệp, các nhà rang xay, các nhà xuất khẩu và các thị trường tiêu thụ phải có trách nhiệm với nông dân.
“Thực hiện quy định EUDR là điều bắt buộc và là cơ hội để nhìn lại sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp Đắk Nông theo hướng bền vững, có trách nhiệm, tăng trưởng xanh”, ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Ông Trương Công Toàn, Giám đốc Doanh nghiệp Toàn Hằng cho biết, nhiều quy định của Việt Nam về bảo vệ rừng khắt khe hơn châu Âu. Vì vậy, thực hiện quy định EUDR sẽ giúp nông nghiệp Đắk Nông tốt hơn và là cơ hội để bán được nhiều nông sản hơn.
Theo ông Toàn, hiện nay các sản phẩm như cà phê, ca cao và nhiều nông sản khác đang được giá. Đây chính là cơ hội vàng cho nông sản Đắk Nông nói riêng, Việt Nam nói chung. Chỉ cần nông dân, doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định EUDR là sẽ mang lại hiệu quả.
Ông Võ Quyết đề nghị các cấp, ngành quan tâm đến HTX, doanh nghiệp và người dân nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để hướng tới xuất khẩu vào châu Âu. Bởi việc thực hiện quy định EUDR là điều bắt buộc nhưng mất nhiều thời gian và chi phí.
Tại hội thảo về quy định EUDR do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức vào ngày 7/11/2024 vừa qua, ông Gonzalo Serrano De La Rosa, Phó Trưởng Ban hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu đánh giá, không chỉ cà phê mà các sản phẩm khác của Đắk Nông như ca cao, hồ tiêu, sầu riêng, trái cây… đều rất chất lượng.
Đắk Nông đã nỗ lực rất lớn trong quá trình thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo ra những mặt hàng xanh hơn, sạch hơn và bền vững hơn.
Những hình thức sản xuất như thế rất phù hợp với mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc. Nó cũng rất phù hợp với nguyên tắc sản xuất của kinh tế tuần hoàn và cũng đáp ứng quy định EUDR.
Cũng theo ông Gonzalo, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Thương mại giữa Việt Nam và châu Âu đã tăng 40% trong những năm qua.
Tuy nhiên, châu Âu cũng đặt ra những quy định nghiêm ngặt cần tuân thủ. Việc tuân thủ các quy định EUDR nó không chỉ thách thức mà còn tạo ra cơ hội cho Việt Nam.
Đây là cơ hội quan trọng để tạo cho Việt Nam thúc đẩy thương mại. Thực hiện quy định EUDR là bước rất quan trọng, đóng góp vào mục tiêu khí hậu rất tham vọng của Việt Nam, đó là đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Gonzalo phân tích, châu Âu đã lùi thời hạn kéo dài thực hiện EUDR đã tạo cơ hội cho Việt Nam tìm hiểu thêm và chuẩn bị tốt hơn trước khi thực thi quy định này.
Hi vọng rằng, Việt Nam có quá trình chuyển đổi tốt và sẽ là quốc gia đi đầu trong khu vực ASEAN trong việc tuân thủ quy định của EUDR.
Việt Nam được đánh giá là nước có những biện pháp nhanh chóng và tích cực để tuân thủ các quy định EUDR. Trong khi một số nước khác đang lúng túng. Đây là cơ hội để Việt Nam gia tăng sản phẩm xuất khẩu vào thị trường châu Âu và các nước khác.
Các biện pháp được Việt Nam thực hiện để tuân thủ quy định EUDR là tăng cường hợp tác công tư. Để giải quyết vấn đề này thì không chỉ riêng các bộ, ngành, địa phương mà cần có sự hợp tác của doanh nghiệp, người dân nhằm chuyển đổi bền vững các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi quy định EUDR.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên chia sẻ, tỉnh sẽ học hỏi kinh nghiệm các tỉnh, thành phố; tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành để xây dựng lộ trình phát triển ngành hàng nông sản theo hướng bền vững, gắn với biến đổi khí hậu, không gây mất rừng trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp nông sản tăng cường hợp tác quốc tế để tạo uy tín, xây dựng thương hiệu và nắm bắt tốt các đặc tính của thị trường châu Âu để bán sản phẩm với giá tốt, sản lượng nhiều.
Đắk Nông có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 378.000ha. Diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt trên 86.000 ha, cây lâu năm khoảng 235.000ha.
Nguồn: https://baodaknong.vn/quy-dinh-eudr-luat-choi-de-nong-san-dak-nong-vao-chau-au-238906.html