HTX Bình Minh ở xã Ea Pô, huyện Cư Jút liên kết với 825 hộ nông dân sản xuất khoảng 1.000ha hồ tiêu bền vững, trong đó 93,7ha được chứng nhận Rainforest Alliance. Ngoài ra, HTX cũng tham gia kinh doanh hồ tiêu.
Với kinh nghiệm tham gia sản xuất, kinh doanh hồ tiêu 7 năm, ông Lê Anh Sơn, Giám đốc HTX đánh giá, thị trường hồ tiêu từ đầu năm 2024 đến nay biến động mạnh.
Năm 2023, giá hồ tiêu ở mức 65.000 – 70.000 đồng/kg nhưng đến năm 2024 dao động ở mức 140.000 – 150.000 đồng/kg, có thời điểm lên 160.000 đồng/kg.
Hồ tiêu của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu và nguồn cung giảm là nguyên nhân chính khiến giá tăng cao. Năm nay, các đơn vị kinh doanh gặp khó khăn trong thu mua hồ tiêu vì sản lượng giảm.
Ông Sơn cho biết, trước đây đa số nông dân trồng hồ tiêu thu hoạch xong, phơi khô là chở toàn bộ sản phẩm ra đại lý, doanh nghiệp ký gửi hoặc bán hết.
Thế nhưng, mấy năm gần đây, nông dân chú trọng nắm bắt thông tin thị trường từ đó thay đổi cách bán hàng. Nông dân xây dựng kho cất hồ tiêu ở nhà và chỉ khi cần tiền mới bán.
Nông dân đã tham gia sâu hơn vào công đoạn quyết định giá hồ tiêu. Nông dân ít ký gửi dẫn đến chuỗi hệ thống thu mua từ đại lý, doanh nghiệp, đơn vị xuất khẩu không nắm chính xác sản lượng hồ tiêu của Việt Nam nói chung, của Đắk Nông nói riêng. Đây cũng là nguyên nhân góp phần làm giá hồ tiêu tăng.
Những thay đổi trên là phù hợp với quy luật cung – cầu của thị trường. Điều này, buộc doanh nghiệp, trong đó có các đơn vị mua, bán hồ tiêu phải thay đổi.
“Chúng tôi mua, bán theo nhu cầu của thị trường. Nông dân bán ra bao nhiêu thì chúng tôi mua vào bấy nhiêu và mua vào bao nhiêu thì bán ra bấy nhiêu để không thiếu hụt nguồn hàng”, ông Sơn cho hay.
Cũng theo ông Sơn, nếu các doanh nghiệp vẫn thu mua hồ tiêu theo kiểu ký hợp đồng khống về số lượng với nhà xuất khẩu như trước thì rất dễ gặp rủi ro thiếu nguồn hàng.
Mặt hàng cà phê năm 2024 cũng tương tự hồ tiêu. Các doanh nghiệp đánh giá, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá cà phê năm nay tăng là do khan hiếm nguồn cung, nhất là cà phê robusta.
Anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông, cho rằng, các doanh nghiệp trong năm 2023 lỡ chốt các hợp đồng để cung cấp cà phê nhân cho đối tác đều rất khó khăn trong thu mua ở năm 2024.
Do đó, vụ cà phê tới, các doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn đối với việc ký kết hợp đồng. Doanh nghiệp sẽ bắt đầu đi theo quỹ đạo mới. Từ doanh nghiệp đến nông dân sẽ thích nghi với sự biến động của thị trường.
Anh Hoàng cũng cho rằng, cách bán hàng của nông dân đã và đang quyết định một phần đến giá cả trên thị trường. Nông dân thời nay có nhiều sự lựa chọn đối tác của mình để bán hàng nhiều hơn giai đoạn trước.
Nông dân ít gửi đại lý mà sẽ cất hàng, đợi giá tăng tương xứng với giá trị mới bán. Họ so sánh về giá mua giữa đối tác này và đối tác khác, thậm chí cả thái độ mua bán hàng. Các đơn vị thu mua khó ép giá nông dân.
Thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ dè dặt hoặc không dám ký hợp đồng trước cung cấp nguyên liệu cho các đối tác mà có hàng bao nhiêu thì bán bấy nhiêu.
“Thị trường nông sản đang thay đổi theo quỹ đạo mới. Do vậy, nông dân, đại lý, doanh nghiệp đều phải thích ứng với nhu cầu của thị trường”, anh Hoàng phân tích.
Khi các bên mua, bán tuân thủ sân chơi của thị trường sẽ tránh được tình trạng nông dân bị ép giá, đưa nông sản về đúng giá trị. Bên cạnh việc thu mua và lợi ích hài hòa thì các doanh nghiệp đang hướng đến đẩy mạnh liên kết với nông dân trồng cà phê, hồ tiêu để chủ động nguồn cung.
Đắk Nông có diện tích và sản lượng cà phê, hồ tiêu lớn của Việt Nam. Hiện nay, tỉnh có khoảng 33.800ha hồ tiêu, sản lượng 70.685 tấn; cà phê 131.000ha, sản lượng 360.000 tấn.
Nguồn: https://baodaknong.vn/quy-dao-moi-cua-thi-truong-nong-san-o-dak-nong-232251.html