Qua 7 năm thực hiện mô hình nông, lâm kết hợp gắn với giao khoán vườn cây, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã bảo vệ và từng bước khôi phục màu xanh của những cánh rừng.
Vào năm 2018, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Công ty Nam Tây Nguyên) đang quản lý gần 23,4 ngàn ha rừng và đất rừng. Trong số này, có gần 20,5 ngàn ha rừng tự nhiên và 636ha rừng sản xuất.
Thời điểm đó, tình trạng phá rừng, chiếm đất canh tác bất hợp pháp trên địa bàn quản lý của công ty đã lên đến mức báo động. Đặc biệt, hơn 2.270ha đất rừng bị người dân sử dụng trái phép để trồng cây nông nghiệp, trong khi tranh chấp đất đai và mất an ninh trật tự thường xuyên xảy ra.
Trong bối cảnh đó, Công ty Nam Tây Nguyên đứng trước ba lựa chọn: giao trả đất bị xâm chiếm cho địa phương, cưỡng chế thu hồi đất để tái trồng rừng hoặc triển khai mô hình nông, lâm kết hợp gắn với giao khoán vườn cây.
Sau khi cân nhắc các yếu tố pháp lý, kinh tế và xã hội, phương án thứ ba được lựa chọn. Đây là hướng đi không chỉ giải quyết vấn đề quản lý đất đai mà còn dung hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và địa phương.
Tháng 2/2018, Công ty Nam Tây Nguyên được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt cho thí điểm mô hình này. Kể từ đó, công ty đã triển khai các phương án giao khoán vườn cây cho người dân tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trên các diện tích trước đây bị lấn chiếm, tạo nên bước ngoặt lớn trong quản lý và phát triển rừng tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu thực hiện mô hình nông, lâm kết hợp. Thời điểm đó, nhận thức pháp luật của người dân còn một số hạn chế, dẫn tới tâm lý lo sợ khi tham gia sẽ bị mất đất sản xuất.
Một số người dân còn bị thành phần xấu kích động, xúi giục, tập trung đông người nhằm chống đối với đơn vị. Các hành vi này gây áp lực lên công ty, đòi hỏi giao đất về địa phương để các đối tượng tự do sản xuất, sang nhượng.
Trong khi đó, diện tích của Công ty Nam Tây Nguyên quản lý khá rộng và trải dài với nhiều địa phương. Nguồn lực tài chính của đơn vị còn hạn hẹp trong khi kinh phí đầu tư vào vườn cây giai đoạn kiến thiết cơ bản lớn, cần thời gian khá dài chăm sóc…
Trước những khó khăn từ thực tiễn, Công ty Nam Tây Nguyên đã từng bước tháo gỡ, quyết tâm thực hiện lựa chọn đã đưa ra. Giải pháp đầu tiên đến từ công tác tuyên truyền, vận động.
Công ty Nam Tây Nguyên đã kết hợp các hình thức tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp để người dân sống gần rừng hiểu về mô hình nông, lâm kết hợp. Công ty giải thích rõ lợi ích từ các phương án khoán và liên kết, bảo đảm minh bạch về quyền lợi của người dân khi tham gia.
Doanh nghiệp đã nhờ sự vào cuộc của chính quyền và các tổ chức có liên quan. Công ty Nam Tây Nguyên nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng và kiểm lâm để giải quyết các vụ tranh chấp, đồng thời xây dựng niềm tin với người dân.
Phương án khoán và liên kết với người dân được thực hiện rất linh hoạt. Công ty Nam Tây Nguyên áp dụng hình thức liên kết đầu tư với các hộ dân không thuộc đối tượng nhận khoán, giúp họ vẫn có thể tham gia trồng rừng hợp pháp.
Đối với các diện tích xâm canh lâu năm, Công ty Nam Tây Nguyên đề xuất giữ nguyên hiện trạng để hợp tác với người dân trong suốt chu kỳ cây trồng.
Việc hỗ trợ kỹ thuật và vật tư cho người dân đã được Công ty Nam Tây Nguyên rất chú trọng. Công ty cung cấp giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây để giảm thiểu thiệt hại do thời tiết bất lợi, nâng cao hiệu quả trồng rừng.
Từ năm 2018 đến tháng 9/2024, Công ty Nam Tây Nguyên đã xây dựng và triển khai thành công 14 phương án trồng rừng theo hai hình thức chính: giao khoán theo Nghị định 168 và liên kết trồng rừng. Kết quả đạt được là 708,61ha rừng mới được trồng, với sự tham gia của 280 hộ dân và một tổ chức.
Các loài cây trồng chủ yếu gồm: điều, cao su, mắc ca, góp phần phủ xanh các khu vực đất trống, cải thiện độ che phủ rừng tại địa phương. Một số diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cho người dân và doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2024, doanh thu từ dự án đạt hơn 478 triệu đồng, góp phần cải thiện thu nhập cho các hộ gia đình và tăng trưởng doanh thu của Công ty Nam Tây Nguyên.
Về mặt xã hội, mô hình đã giải quyết đất sản xuất hợp pháp cho hơn 280 hộ dân, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này giúp nâng cao nhận thức về pháp luật, giảm thiểu xung đột và tạo sự ổn định về an ninh trật tự trong khu vực.
Ngoài ra, tình trạng vi phạm lâm luật trên diện tích quản lý của công ty đã giảm đáng kể, góp phần bảo vệ diện tích rừng tự nhiên còn lại.
Ông Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ: Phương án nông, lâm kết hợp là lựa chọn phù hợp với thực tiễn trong quản lý, phát triển rừng tại nhiều đơn vị, địa phương.
Việc thực hiện phương án này là một hành trình khó khăn, cần sự chủ động, linh hoạt và quyết tâm cao.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, phương án trồng nông, lâm kết hợp của Công ty Nam Tây Nguyên là điển hình sáng tạo trong quản lý, phát triển rừng tại địa phương.
Đây không chỉ là bài học kinh nghiệm cho công ty mà còn là hướng đi đầy triển vọng của các doanh nghiệp khác trong bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Lê Phước
Nguồn: https://baodaknong.vn/qua-ngot-tu-nong-lam-ket-hop-o-nam-tay-nguyen-238398.html