Theo công bố của Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Tunisia: đã có 10 thi thể đã được tìm thấy trong 48 giờ qua bởi các đơn vị bảo vệ bờ biển ở phía Bắc Sfax.
Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể người di cư tại Zarzis, Tunisia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, chính quyền Tunisia ngày 6/8 thông báo đã phát hiện thi thể của 10 người di cư trên một bãi biển gần thành phố Sfax – nơi đã và đang chứng kiến số lượng các vụ vượt biển đến châu Âu gia tăng đột biến trong năm nay.
Tunisia đã trở thành cửa ngõ chính cho những người di cư bất hợp pháp và những người xin tị nạn chủ yếu đến từ các vùng khác của châu Phi, cố gắng vượt qua các chuyến đi đầy nguy hiểm trên những chiếc thuyền tạm bợ, với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tuyên bố của Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Tunisia nêu rõ: “10 thi thể đã được tìm thấy trong 48 giờ qua bởi các đơn vị bảo vệ bờ biển ở phía Bắc Sfax.”
Người phát ngôn của Tòa án thành phố Sfax, ông Faouzi Masmoudi tiết lộ lực lượng chức năng địa phương họ đã nhận được thông báo về việc phát hiện “8 thi thể, tất cả dường như là những người châu Phi cận Sahara.”
Đội ngũ điều tra viên đang nỗ lực xác định danh tính của các nạn nhân.
Ông Masmoudi xác nhận những người di cư thiệt mạng được phát hiện trong hai ngày 4-5/8. Thuyền của họ có khả năng bị một cơn bão đánh chìm.
Tuy vậy, quan chức này lưu ý không có vụ đắm tàu nào được báo cáo xảy ra ở khu vực ngoài khơi thành phố Sfax.
Ông cho rằng các nạn nhân có thể đã xuất phát từ một khu vực khác dọc bờ biển Tunisia.
Theo Bộ Nội vụ Tunisia, tính đến ngày 20/7, các lực lượng chức năng của quốc gia Bắc Phi đã phát hiện tổng cộng 901 thi thể trong năm nay sau những vụ tai nạn hàng hải ở Địa Trung Hải và 34.290 người di cư khác đã được giải cứu hoặc bị ngăn chặn.
Hầu hết những người này đến từ các quốc gia trong khu vực châu Phi cận Sahara.
Khoảng cách giữa Sfax và đảo Lampedusa của Italy chỉ vào khoảng 130km.
Theo số liệu thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về Người Tị nạn (UNHCR), gần 90.000 người di cư đã đến Italy trong năm nay.
Hầu hết trong số họ xuất phát từ Tunisia hoặc nước láng giềng Libya.
Trong khi đó, Tổ chức Di cư Quốc tế đánh giá dòng người di cư ở trung tâm Địa Trung Hải từ Bắc Phi đến châu Âu đối diện với mức độ rủi ro cao nhất thế giới với hơn 20.000 nạn nhân thiệt mạng kể từ năm 2014./.