Tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung- Tây Nguyên năm 2023 diễn ra tại Đắk Nông có khá nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố tham gia. Trong đó, các sản phẩm OCOP từ các làng nghề là một trong những điểm mạnh mà các tỉnh, thành phố mang đến Đắk Nông. Các sản phẩm này đều thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đối tác.
Tại hội chợ, gian hàng các sản phẩm thủ công, truyền thống của Làng Chuông (Hà Nội) thu hút nhiều người dân đến tìm hiểu, tham quan, mua sắm. Ở đây, có nhiều sản phẩm rất đẹp mắt như nón lá, bình gốm, rổ, rá, vòng đeo tay, cài tóc… Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, người phụ trách gian hàng, chủ một doanh nghiệp bán hàng cho biết, các sản phẩm trưng bày đều được bàn tay nghệ nhân chăm chút. Mỗi sản phẩm mang nét đẹp truyền thống của làng quê Việt Nam.
Cụ thể như nón Làng Chuông. Để làm được một sản phẩm này hoàn chỉnh cần rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Làng Chuông có rất nhiều hộ làm nón. Họ không chỉ gìn giữ những kỹ thuật truyền thống mà còn sáng tạo thêm những kỹ thuật, thêm vật liệu nhằm phục vụ đa dạng các nhu cầu. Cụ thể như thêm vải lụa, lá cây, sơn màu để trang trí tại các địa điểm công cộng, treo ngoài trời, trang trí trên trên tường khách sạn, nhà hàng, quán ăn.
“Yếu tố làng nghề truyền thống là sản phẩm làm ra từ bàn tay của người dân địa phương, nên có sức hút lớn đối với thị trường. Bởi du khách khi mua sản phẩm không chỉ quan tâm tới giá trị vật chất mà cả trong đó giá trị của câu chuyện văn hóa, tinh thần”, chị Diệp cho biết thêm.
Tại gian hàng tỉnh Quảng Nam trưng bày nhiều sản phẩm từ gió trầm của các chủ thể OCOP. Cụ thể như tượng mini, tượng phong thủy, vòng trầm trang sức, nụ trầm, nhang trầm…Trong đó, một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP như tượng trầm mini, bút trầm, tượng trầm treo xe…
Theo anh Phan Đức Hoàng, chủ cơ sở trầm hương Phượng Hoàng, huyện Nông Sơn (Quảng Nam), đây là sản phẩm của doanh nghiệp, nhưng cũng là sản phẩm của người dân địa phương. Các sản phẩm của cơ sở đều được làm từ nguyên liệu tự nhiên của cây trầm. Nguyên liệu được cơ sở thu mua từ những hộ dân địa phương quanh vùng. “Chúng tôi có một cộng đồng sống nhờ sản phẩm từ cây gió bầu. Do đó, chúng tôi rất trân quý, giữ gìn nghề của mình. Đó là sự phát triển cây gió bầu một cách bền vững, gắn bảo vệ môi trường, sinh thái”, anh Hoàng nhấn mạnh.
Một trong những mục đích của Chương trình OCOP Quốc gia là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trong đó, OCOP chú trọng đối với các nhóm sản phẩm đặc sản, có lợi thế ở làng, xã; chú trọng phát triển các nghề, làng nghề truyền thống.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, các nội dung của Chương trình OCOP đều được Đắk Nông rất quan tâm. Trong đó, việc xây dựng sản phẩm OCOP từ các nghề truyền thống đã được tỉnh triển khai nhiều năm nay. Ví dụ như tỉnh hỗ trợ, định hướng phát triển các sản phẩm dệt thổ cẩm, làm rượu cần, đan lát… tại một số địa bàn. Tuy nhiên đến nay, Đắk Nông vẫn chưa có sản phẩm OCOP nào xuất phát từ làng nghề hay nghề truyền thống địa phương. Đây là điều mà tỉnh còn trăn trở và sẽ có định hướng hành động hiệu quả hơn trong thời gian tới.