Dày công đầu tư
Qua gần 5 năm triển khai, Chương trình OCOP của Đắk Nông đã thu hút được đông đảo sự tham gia và đầu tư sản xuất từ các tổ chức, cá nhân. OCOP đã tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Đến nay, Đắk Nông đã có 78 chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Các sản phẩm tham gia chương trình khá đa dạng, phong phú về chủng loại, bao gồm các nhóm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, nông sản…
Sau gần 5 năm thực hiện chương trình, Đắk Nông đã tổ chức đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 96 sản phẩm OCOP; trong đó, có 78 sản phẩm 3 sao; 18 sản phẩm 4 sao trở lên.
Công ty TNHH MTV Thương mại – xuất nhập khẩu mắc ca sachi Thịnh Phát, TP. Gia Nghĩa là một trong những chủ thể tham gia Chương trình OCOP từ những ngày đầu.
Đến nay, công ty là đơn vị duy nhất của Đắk Nông đang sở hữu 4 sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Đó là các sản phẩm: hạt mắc ca rang sấy, sầu riêng sấy thăng hoa, măng cụt sấy thăng hoa và mít sấy thăng hoa.
Giám đốc công ty Nguyễn Thị Ngọc Hương thông tin, để xây dựng thành công được khối sản phẩm này, nhiều năm qua, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư một nguồn lực không nhỏ cho sản xuất. Nổi bật nhất là về công nghệ chế biến sản phẩm.
Từ những máy móc rang sấy công suất nhỏ, thô sơ của những buổi đầu khởi nghiệp, công ty hiện đã trang bị thêm nhiều thiết bị có công suất lớn, công nghệ sấy thăng hoa hiện đại, trị giá hàng tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay, sản phẩm sớm tiếp cận được nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Tương tự, sản phẩm cà phê bột Godere của Công ty Cổ phần Godere, TP. Gia Nghĩa đạt chứng nhận OCOP từ năm 2020. Việc xây dựng và phát triển sản phẩm là cả một quá trình đầu tư bài bản, nghiêm túc của doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Thủy Tiên, Giám đốc công ty chia sẻ, việc đầu tư cho sản phẩm OCOP của đơn vị rất lớn và mang tính dài hơi. Trước tiên, doanh nghiệp đã liên kết với một đơn vị tư vấn để được hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Cụ thể như, về khâu sản xuất, doanh nghiệp đã dành ra 3 năm để chuyển đổi đất, từ đất nông nghiệp thành đất Organic. Trong thời gian này, công ty phải đầu tư sản xuất hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ, tuân thủ chặt chẽ quy định về không sử dụng thuốc trừ sâu, không thuốc xịt cỏ. Đến năm thứ 4 mới đủ điều kiện để đưa mẫu đất đi test ở nước ngoài và được chứng nhận.
Song song với đó là quá trình đầu tư về kho bãi, nhà xưởng theo tiêu chuẩn HACCP, nhà kính để phơi nguyên liệu sau thu hoạch, các máy móc phục vụ cho chế biến, bao bì sản phẩm…
Cùng với các chủ thể, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, Nhà nước cũng có nhiều hoạt động đầu tư hỗ trợ các chủ thể đầu tư về: xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng; mua sắm các trang thiết bị máy móc; thiết lập bao bì, mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm…
Tiêu biểu như việc triển khai các đề án khuyến công. Trong 2 năm (2022- 2023), khuyến công quốc gia và địa phương đã hỗ trợ Đắk Nông thực hiện được 22 đề án, với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 10,3 tỷ đồng. Riêng năm 2024, kinh phí khuyến công địa phương đang dành 1,8 tỷ đồng để phát triển các sản phẩm trên địa bàn.
Trọng tâm hỗ trợ của những nguồn kinh phí này là ưu tiên cho các chủ thể đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định được thương hiệu, chất lượng cho các sản phẩm trên thị trường.
Thách thức từ thị trường
Câu chuyện trái bưởi da xanh của HTX Sangs Farm, huyện Đắk Glong là một ví dụ điển hình. Để đạt các tiêu chí gắn sao OCOP, quy trình sản xuất của HTX khá công phu và tốn kém. Mọi khâu sản xuất đều được tuân thủ chặt chẽ theo quy định, kéo theo đó là phát sinh thêm các chi phí.
Ông Nguyễn Xuân Hiếu, đại diện HTX cho hay, dù được gắn sao sản phẩm OCOP, thế nhưng giá bán 1kg bưởi ra ngoài thị trường vẫn không thay đổi so với lúc chưa được chứng nhận.
Đồng tình với nhận định trên, bà Nguyễn Thị Băng, Giám đốc HTX dược liệu An Phúc Khang, huyện Đắk Glong chia sẻ: “Có nhãn mác OCOP, chúng tôi tự tin hơn khi đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, về mặt kinh tế thì chưa thấy có sự bứt phá gì”.
Trong khi đó, chi phí đầu tư, sản xuất các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP không hề rẻ, dẫn tới giá bán ra luôn cao hơn sản phẩm cùng loại, khiến đầu ra của sản phẩm OCOP càng thêm khó.
Hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường cho sản phẩm được tổ chức thường xuyên, thu hút nhiều chủ thể OCOP tham gia.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng thì năng lực của một số chủ thể hiện rất hạn chế. Năng lực quản lý, quản trị sản xuất, quản trị marketing… của chủ thể còn yếu.
Giám đốc Co.opmart Đắk Nông Trần Giang Nhật Thảo cho hay, một số chủ thể sản xuất hiện chưa chủ động trong việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, xây dựng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm.
Mẫu mã, quy cách bao bì đóng gói, nhãn mác của các sản phẩm không được đồng nhất, thuận tiện sử dụng và chưa có tính thẩm mỹ để thu hút khách hàng.
Có những sản phẩm đã được quan tâm đầu tư bao bì, nhãn mác, nhưng không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu khi có đơn vị khác đăng ký bảo hộ trước, thiệt hại lớn về kinh tế. Trong khi đó, việc quảng bá, truyền thông cho sản phẩm hiện gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Sở NN – PTNT Đắk Nông Phạm Tuấn Anh cho biết, điểm yếu nhất của các sản phẩm OCOP hiện nay là các chủ thể đang rất thiếu kỹ năng bán hàng.
Phần lớn các chủ thể đều xuất phát từ người sản xuất nông nghiệp nên chưa được trang bị những kỹ năng cơ bản để lan tỏa sản phẩm sâu rộng tới người tiêu dùng.
Một số đơn vị lại gặp khó trong việc xây dựng các kênh quảng bá online cho sản phẩm. Các chủ thể cũng chưa chú trọng đến sự trải nghiệm của khách hàng, việc tham gia các hội chợ cũng như xây dựng chính sách về giá bán…
Điều này làm thiếu đi tính chuyên nghiệp, tính nhất quán, khiến cho sản phẩm khó tiếp cận được với số đông khách hàng.
Năm 2023, doanh thu từ các sản phẩm OCOP của Đắk Nông đạt khoảng 150 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Các sản phẩm OCOP đã tạo ra khoảng 1.200 việc làm trực tiếp cho người dân
địa phương.
Nguồn: https://baodaknong.vn/ocop-dak-nong-dau-tu-lon-nhung-chat-vat-dau-ra-228536.html