Đeo đuổi đam mê
Có thời gian dài say mê với nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Nụ luôn khát khao đưa được công nghệ tiên tiến nhất vào trong quá trình sản xuất. Hơn hai năm, bà và gia đình đã dành trọn thời gian, tiền của để nghiên cứu cũng như chuẩn bị hành trang cho việc bắt tay vào dự án nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
Bà Nụ kể lại quãng thời gian gần 8 năm về trước, tình cờ biết đến đông trùng hạ thảo như một dược phẩm tốt cho sức khỏe. Ngay lập tức, bà cảm thấy hứng thú và nảy ra ý tưởng nghiên cứu về sản phẩm mới này. Ý tưởng ấy, bà miệt mài theo đuổi trong nhiều năm tiếp theo.
Hai vợ chồng bà đã phải lặn lội lần tìm ra các địa chỉ từ đơn vị phân phối cho tới nơi sản xuất đông trùng hạ thảo ở khắp các tỉnh, thành như: Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ…
Ánh mắt nhìn xa xăm, bà Nụ mường tượng lại chuỗi ngày trầy trật nuôi cấy: “Những năm 2016 – 2018, khi mới bắt tay nghiên cứu nuôi cấy, tôi gặp rất nhiều khó khăn, từ công nghệ, nguồn giống, quy trình đều phải tự tìm tòi, mày mò, học hỏi. Khi đó, nhìn những giá thể đông trùng hạ thảo nằm ngổn ngang, tôi vô cùng nản lòng. Không ít lần vợ chồng tôi muốn bỏ cuộc, rồi con cái “bàn lùi” vì quá vất vả. Tuy nhiên, may mắn là bản thân chưa bao giờ nghĩ mình sẽ từ bỏ tình yêu với đông trùng hạ thảo”, bà Nụ trải lòng.
Vậy là căn nhà gỗ vì sợ nấm mốc lây bệnh được bà tìm cách khép kín, bảo đảm không gian nuôi cấy an toàn. Bà thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ tỷ lệ phối trộn đến thời gian hấp, công đoạn cấy phôi, nhiệt độ môi trường nuôi dưỡng. Tuy nhiên, những mẻ nuôi đầu tiên cấy phôi không lên. Khi phôi lên được thì đến lượt nấm cây lưa thưa, hàm lượng dược chất không đạt…
Bằng mọi cách, bà đã tìm ra nguyên nhân khiến nấm chết, rồi làm đi làm lại nhiều lần. Các thông số về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm được chỉnh lại cho phù hợp… Sau thời gian dài thi gan, dốc gần hết vốn liếng, phôi cấy mới dần hoàn thiện và cho ra những sản phẩm đông trùng hạ thảo thành công.
Theo bà Nụ, việc nhân giống, cấy phôi đông trùng là công đoạn khó khăn nhất trong quá trình nuôi. Để bảo đảm chất lượng và hàm lượng dược chất cho sản phẩm, công ty sử dụng phôi nấm nhập từ Nhật Bản. Những nguyên liệu khác cũng được bà nhập về từ Mỹ, Pháp với chất lượng tốt nhất.
Giá thể sử dụng khá đa dạng, bao gồm: gạo lứt, khoai tây, giá đỗ, tảo xoắn, yến mạch, các khoáng chất… Đến nay, các mẫu đông trùng được gửi đi phân tích đều cho kết quả tốt nhất với hàm lượng dược chất chính như cordycepin và adenosine ở mức rất cao, gấp 3-4 lần so với sản phẩm thông thường trên thị trường.
Khẳng định thương hiệu
Ghé thăm cơ ngơi của vị nữ giám đốc U60 những ngày đầu năm, tôi không khỏi bất ngờ vì nhà xưởng sau hơn 5 năm thành lập đã nhanh chóng được làm mới. Các khu vực sản xuất nấm được tách ra riêng biệt. Máy móc hiện đại được trang bị đầy đủ.
Thoăn thoắt sắp xếp lại những sản phẩm trên kệ trưng bày, bà Nụ phân trần về những câu chuyện thị trường cho sản phẩm khi mới ra đời. Bà kể: “Trong những năm đầu nuôi cấy đông trùng hạ thảo, gia đình chỉ mang đi cho, biếu tặng, chứ chưa bán được sản phẩm nào. Có lẽ một phần vì giá cả cao quá. Trong khi, mọi người còn chưa biết đến hiệu quả của nó”.
Điều bất ngờ nhất đó là những người sử dụng sản phẩm sau khi được biếu tặng, sau đó đã quay lại liên hệ trực tiếp với công ty để mua thêm. Và cứ thế, khi dùng thấy hiệu quả rồi thì người nọ truyền tai giới thiệu người kia và hình thành phân khúc thị trường cho sản phẩm đến bây giờ.
Nhắc lại những ngày ăn ngủ cùng với những kệ giá thể đông trùng hạ thảo, bà Nụ chỉ tủm tỉm cười vì sự lựa chọn táo bạo nhưng kết quả nhận lại hơn sự mong đợi. Các sản phẩm đông trùng hạ thảo của công ty hiện có mặt tại nhiều đại lý trên toàn quốc.
Ngoài đông trùng tươi, sấy khô, công ty đang có sản phẩm rượu đông trùng. Năm 2021, hai sản phẩm này được chứng nhận OCOP 3 sao. Trong năm 2024, công ty phấn đấu nâng cấp sản phẩm lên OCOP 4 sao. Ngoài bán trực tiếp, sản phẩm còn được đưa lên các kênh thương mại điện tử và đang hướng tới xuất khẩu. Hiện sản phẩm đã tiếp cận được với khách hàng ở Mỹ.
Công ty đang nỗ lực nâng cao về chất lượng sản phẩm. Dự kiến năm nay, đơn vị sẽ mở rộng thêm nhà xưởng, mua thêm một số máy móc, nhất là máy sấy thăng hoa có công suất lớn phục vụ sản xuất đông trùng hạ thảo được tốt hơn.
Chia tay ra về, lòng vẫn thầm khâm phục về ý chí, sự bền bỉ, kiên trì và quyết tâm làm đến cùng với một sản phẩm không hề đơn giản của vị nữ giám đốc U60 này. Mong cho những sản phẩm mới mang thương hiệu Đắk Nông sẽ luôn được chắp cánh để mạnh mẽ, tự tin bước ra biển lớn, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con, doanh nghiệp địa phương.