Từ bao đời nay, đối với đồng bào các DTTS ở Gia Lai, già làng, trưởng thôn, Người có uy tín… thường là đàn ông, nhưng hiện nay, các vị trí này có nhiều phụ nữ đảm nhiệm. Các nữ già làng đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, góp phần xây dựng buôn làng ngày một khởi sắc. Một trong số đó là 2 nữ già làng, Người có uy tín ở miền biên viễn Ia Mơ, huyện Chư Prông.
“Điểm tựa” của dân làng Goòng
Ngôi nhà khang trang, rộng rãi của già Siu H’Phyin (SN 1950), làng Goòng, xã Ia Mơ được ví như “địa chỉ đỏ” thường được đám trẻ trong làng tập trung để nghe già kể chuyện về những ngày chiến tranh chống đế quốc Mỹ khốc liệt. Trong những câu chuyện mà già kể, có câu chuyện về mình – cô du kích nhanh nhẹn, tươi vui. Ở tuổi mười tám, đôi mươi, cô gái H’Phyin tham gia gùi gạo, lấy củi, nấu cơm phục vụ bộ đội và trong chiến dịch Plei Me lịch sử cùng thanh niên, dân làng tải thương, tiếp đạn cho chiến trường ác liệt.
Chiến tranh qua đi, làng quê khó khăn thiếu thốn đủ bề, H’Phyin đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ để vận động Nhân dân tích cực lao động sản xuất, không du canh, du cư, không phá rừng làm nương rẫy; vận động các gia đình cho con em đến trường học chữ. Đồng thời, tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ biên giới. Năm 2015, già làng Siu H’Phyin được dân làng Goòng tin tưởng bầu chọn là Người có uy tín của làng.
Huyện Chư Prông hiện có 95 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đội ngũ Người có uy tín ở các buôn làng luôn nêu gương sáng, một lòng kiên định theo Đảng, nỗ lực cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ vững chắc an ninh biên giới…”.
Ông Siu Hiệu, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Chư Prông
Làng Goòng có 100% dân số là đồng bào DTTS, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, những bất hòa trong gia đình, mâu thuẫn trong cộng đồng vẫn xảy ra. Để giải quyết mâu thuẫn, già H’Phyin dùng phong tục tập quán, hương ước, quy ước và quy định pháp luật để vận động, thuyết phục, hòa giải, từ đó nhiều gia đình đã hòa thuận, ấm êm.
Chị Rơ Mah Blẹ làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông kể: “Trong gia đình có lúc cãi nhau. Già làng nghe tin là đến tận nhà góp ý, hòa giải. Từ đó, hiểu được những sai trái của mình, ráng làm việc, dạy dỗ con cái trong gia đình, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt hơn”.
Đến nay già H’Phyin đã đi qua 75 mùa rẫy. Những tấm huy hiệu đánh dấu 30, 40, 45, 50 năm tuổi Đảng luôn được già trân trọng nâng niu. Với già H’Phyin, đó là sự tự hào và là động lực để già tiếp tục cống hiến, nêu gương, dẫn lối cho thế hệ trẻ sau này.
“Cầu nối” giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân
Như cánh chim không mỏi, dù đã gần 80 tuổi, già làng, Người có uy tín Ksor H’Blâm, làng Krông, xã Ia Mơ vẫn lội suối, băng rừng, cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Prông, Đồn Biên phòng Ia Mơ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; bảo vệ đường biên, cột mốc; động viên thanh niên hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự…
Bà H’Blâm kể: “Còn nhớ, năm 2001, nghe dân báo có 2 đối tượng từ nơi khác vào làng truyền đạo trái phép, tôi cho người làng giữ chân chúng rồi bí mật đi báo Bộ đội Biên phòng và Công an xã. Hai đối tượng bị bắt giữ ngay sau đó. Qua đọc báo, nghe đài, biết có nhiều người DTTS ở trong tỉnh bị lừa sang nước ngoài làm việc rồi phải trả tiền chuộc thân, tôi cùng với cán bộ Biên phòng tập trung tuyên truyền để người dân hiểu mà phòng ngừa”.
Để người dân tin tưởng, làm theo, bà H’Blâm luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc chung, sẵn lòng giúp đỡ bằng tinh thần, vật chất khi có người gặp khó khăn và hướng dẫn bà con phát triển kinh tế.
Trung tá Lê Đình Sự, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Mơ cho biết: Già làng, Người có uy tín H’Blâm đã góp công không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở trên địa bàn đơn vị đứng chân. Là sợi dây liên kết tình quân dân, cùng Đồn Biên phòng Ia Mơ giúp dân thoát nghèo bền vững.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nu-gia-lang-tren-mien-bien-vien-ia-mo-228347.html