Năm nay, sản lượng nguyên liệu mắc ca mua vào của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) cố gắng cũng chỉ bằng so với năm ngoái, với khoảng 40 tấn khô.
Giám đốc Công ty Trần Thị Dịu cho hay, do ảnh hưởng của thời tiết nên năm nay, các vườn mắc ca trên địa bàn tỉnh hầu như đều mất mùa.
Mọi năm, bước vào tầm tháng 4, các doanh nghiệp đã thu mua rộ, để dự trữ cho cả năm. Tuy nhiên, năm nay, mãi tới cuối tháng 6, nguyên liệu mới bắt đầu có.
Nguồn nguyên liệu chủ yếu được doanh nghiệp thu mua tại các vườn ở Đắk Song, Đắk Glong. Đây là những vườn được đơn vị hợp tác, thu mua sản phẩm từ nhiều năm nay.
Hiện mỗi tháng, doanh nghiệp đang cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn sản phẩm hạt mắc ca. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu không đáp ứng đủ nên một số đơn hàng lớn buộc phải tạm hoãn lại.
Toàn bộ sản phẩm hiện đang được doanh nghiệp ưu tiên cho những đơn hàng của các siêu thị ở các tỉnh, thành như: Đắk Nông, Bình Dương, Hà Nội, Bình Định…
Tương tự, tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Long Việt, huyện Tuy Đức, sản lượng mắc ca nguyên liệu được thu mua năm nay cũng chỉ bằng 2/3 so với năm trước.
Chủ tịch HĐQT HTX Nguyễn Thị Thùy Dung cho hay, vụ mùa năm 2023, đơn vị thu mua được gần 150 tấn mắc ca tươi, nhưng năm nay đã giảm đi khoảng 1/3 sản lượng.
Không chỉ sản lượng, mà chất lượng nguồn nguyên liệu cũng giảm mạnh. Do thời tiết nên hạt mắc ca thường nhỏ, lép nhiều và hỏng do sâu bệnh. Một phần, bà con cũng chưa chú trọng đầu tư cho các vườn theo quy chuẩn nên năng suất giảm sút.
Chất lượng đầu vào không đạt nên giá mắc ca nguyên liệu cũng giảm, dao động từ 75.000-95.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá sản phẩm bán ra vẫn neo ở mức cao, do phát sinh các chi phí cộng lại trong quá trình sản xuất.
Được biết, HTX hiện đang liên kết với 60 hộ dân trong vùng trồng gần 400ha mắc ca. Trong đó, diện tích cho thu hoạch là 170ha. Sản lượng mỗi năm ước đạt khoảng 255 tấn.
Mỗi tháng, HTX đang cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn sản phẩm mắc ca. Ngoài các thị trường truyền thống, đơn vị còn xuất khẩu qua thị trường Campuchia.
Theo bà Dung, thị trường hạt mắc ca hiện đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá cả và chất lượng, do có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất.
Để phát triển thị trường cho sản phẩm, trong năm 2024, HTX đang chuẩn bị đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị mới như: máy sấy, máy hút chân không lớn, máy phân size, kho mát, kho lạnh…
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 2.458 ha mắc ca, tập trung chủ yếu tại Tuy Đức. Trong đó, diện tích cho thu hoạch đạt 739 ha. Năng suất bình quân đạt 7,97 tạ/ha. Sản lượng mắc ca ước đạt 589 tấn/năm.
Kết quả điều tra, khảo sát của ngành chức năng gần đây cho thấy, người trồng mắc ca hiện vẫn chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc.
Cụ thể như: không tưới nước trong mùa khô, không bón phân cũng như cắt cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh. Các hộ dân chủ yếu để cây phát triển tự nhiên và thu hoạch sản phẩm khi cây cho trái.
Riêng với các vườn mắc ca trồng xen trong rẫy cà phê tuy không được chăm sóc trực tiếp, nhưng do tận dụng được nước và phân bón của cà phê nên khả năng sinh trưởng, phát triển và cho năng suất tốt hơn khi trồng thuần.
Ngoài các doanh nghiệp của Đắk Nông, thời gian gần đây đã có nhiều doanh nghiệp từ TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về địa phương tìm hiểu và thu mua loại hạt dinh dưỡng này.
Tuy nhiên, do diện tích mắc ca cho thu hoạch còn khá khiêm tốn nên sản lượng chưa nhiều. Số lượng hạt chưa qua chế biến không đủ để cung cấp ra thị trường ngoài tỉnh.
Nguồn: https://baodaknong.vn/not-tram-voi-doanh-nghiep-mac-ca-dak-nong-trong-vu-san-xuat-moi-220708.html