Diện mạo mới ở các vùng quê
Đến xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) hôm nay, có thể thấy được nhiều sự thay đổi. Trong đó, rõ nét nhất là về hạ tâng giao thông. Các tuyến đường thôn, bon trên địa bàn xã đều được bê tông hóa, ban đêm được chiếu sáng rực rỡ. Hầu hết các tuyến đường đều được xây dựng theo mô hình tự quản, có trồng hoa, cây cảnh hai bên để tạo cho khung cảnh làng quê tươi đẹp, khang trang. Các tuyến đường đều là thành quả từ sự chung tay đóng góp xây dựng của người dân.
Theo ông Đặng Tiến Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ru, xã luôn xác định nông dân là chủ thể trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Do đó, xã đã xây dựng kế hoạch với những nội dung cụ thể, thiết thực, gắn với các phong trào thi đua đối với từng lĩnh vực, phát huy vai trò của nông dân để xây dựng NTM. Xã đã tạo được phong trào hiến đất, cây cối, hoa màu, ngày công lao động, đóng góp vốn… diễn ra hết sức sôi nổi. Đơn cử như việc người dân đóng góp vốn đối ứng trên 220 triệu đồng để làm 1,5 km đường giao thông nông thôn, 3 km đường điện thắp sáng tại thôn Tân Lợi, Tân Lập và thôn 8.
Ông Nguyễn Văn Bình, ở thôn Tân Lập cho biết: “Tôi thấy làng quê thay đổi nhiều, bà con bây giờ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng xen nhiều loại cây trên vườn. Người dân đều có tiếng nói chung, đồng thuận trong xây dựng làng quê ngày một phát triển”.
Gia đình ông Bình hiện có 3 ha đất được chọn xây dựng vườn mẫu, rẫy mẫu của xã. Với 3 ha sầu riêng Ri6 kinh doanh, ông Bình đã quy hoạch vườn cây bài bản, có hệ thống tưới nước tiết kiệm hiệu quả. Nhờ đó, ông đã giảm được chi phí sản xuất, giúp gia đình nâng cao thu nhập.
Không có nhiều thuận lợi như những địa phương khác, xã Buôn Choáh (Krông Nông) là một xã vùng sâu, với phần lớn khu dân cư, đất sản xuất nằm ở vùng trũng thấp, ven sông. Do vậy, việc đầu tư hạ tầng, phát triển sinh kế đòi hỏi mất nhiều công sức, nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, không vì những khó khăn đó mà người dân và chính quyền địa phương chùn bước.
Đến nay, điểm nhấn trong xây dựng NTM ở Buôn Choáh là tuyến đường trục chính của xã đã được nhựa hoá. Tuyến đường như “cột sống” nối liền các khu dân cư, trụ sở, trường học, đường vào khu sản xuất… Tuyến đường này còn giúp các khu dân cư không chịu cảnh bị cô lập khi có lũ lụt như trước đây. Bên cạnh đó, giao thông nội đồng của xã cũng được đầu tư đồng bộ, giúp người dân thuận lợi trong sản xuất, giảm chi phí vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp. Từ đó, các mặt hàng nông sản chủ lực của xã như lúa, bắp được người dân tập trung phát triển theo hướng hàng hoá chất lượng cao.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh, đến cuối năm 2022, xã đã hoàn thành 15 tiêu chí xây dựng NTM theo tiêu chuẩn mới. Địa phương đang dồn lực thực hiện các tiêu chí còn lại, phấn đấu sớm đạt chuẩn NTM. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, xã cũng đang thực hiện những giải pháp căn cơ, đột phá để hỗ trợ người dân nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Hướng đến những giá trị mới
Theo ông Phan Văn Sinh, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đắk Nông, đến nay, toàn tỉnh có 36/60 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 60%. Bình quân mỗi xã đạt 16,62 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Công tác xây dựng, phát triển hạ tầng trong năm 2023 tiếp tục được các cấp, các ngành chú trọng, quan tâm triển khai thực hiện. Các địa phương đã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia xây dựng NTM.
Rất nhiều người dân đã tích cực đóng góp tiền, ngày công, hiến đất đai, hoa màu…. để cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng. Nhờ sự chung tay của người dân, nhiều công trình thiết yếu được xây dựng như: đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, nước sạch … Các công trình được kiên cố hóa, sạch đẹp, từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 50/60 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông; 60/60 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi; 60/60 xã đạt tiêu chí số 4 về điện; 50/60 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học; 51/60 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, 58/60 xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông…
Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Các địa phương cần tập trung giữ vững các tiêu chí đạt được và phấn đấu đạt 43 xã đến năm 2025. Để đạt được kết quả này, các xã cần lồng ghép và tận dụng lợi thế của 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong xây dựng các chính sách, nhằm hỗ trợ kịp thời cho khu vực nông thôn”.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, những kết quả đạt được trong xây dựng NTM đã khẳng định công tác lãnh, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp trong. Đắk Nông đã khơi dậy và tổ chức thành công nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Chương trình xây dựng NTM đã đề ra. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để tỉnh Đắk Nông tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới. Dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, các địa phương sẽ hoàn thành các nhiệm vụ về xây dựng NTM.