Những mục tiêu lớn
Đắk Nông xác định 4 cây trồng chủ lực cấp tỉnh gồm: cà phê, hồ tiêu, cao su, cây điều. Đây cũng là 4 loại nông sản chủ lực tại Đắk Nông nhiều năm qua.
Ngoài ra, nhiều loại nông sản tiềm năng cấp tỉnh cũng đang phát triển mạnh như: mắc ca, các loại cây ăn quả… Với nhiều lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp, các mặt hàng nông sản, Đắk Nông đã đặt ra nhiều mục tiêu trong tương lai.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỉnh tái cơ cấu, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng, giá trị gia tăng cao.
Trong quy hoạch Đắk Nông giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, Đắk Nông rà soát, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên lợi thế sẵn có của địa phương. Tỉnh sẽ thực hiện sản xuất nông nghiệp theo các quy trình tiên tiến, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Địa phương sẽ nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào vào sản xuất. Tỷ lệ giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 10% tổng giá trị sản lượng ngành công nghiệp. Toàn tỉnh phấn đấu phát triển các chuỗi liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân.
Đến năm 2030, trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Đắk Nông thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận nông nghiệp sạch, hữu cơ. Toàn tỉnh hình thành, phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở các vùng nông nghiệp tập trung đã có.
Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt ít nhất 2% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. Đắk Nông xây dựng một số cơ sở chế biến nông sản có quy mô, công suất lớn.
Đến năm 2050, Đắk Nông phấn đấu trở thành một trong 10 tỉnh dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cả nước. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ hiện đại vào các loại cây trồng, vật nuôi cao, chiếm ít nhất 70% tổng giá trị sản lượng ngành Nông nghiệp. Đắk Nông phát triển thành trung tâm chế biến nông sản chất lượng cao.
Sản xuất gắn với chế biến sâu
Đắk Nông có nhiều lợi thế về nông nghiệp, nông sản. Tuy nhiên, sản xuất và chế biến nông sản tại địa phương vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu để giá trị nông sản Đắk Nông còn yếu thế trên thị trường.
Theo Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Xuân Hải, Đắk Nông là vùng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển nông nghiệp, nhất là các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, vấn đề này chưa được tỉnh đưa vào quy hoạch bài bản.
“UBND tỉnh cần xác định bài bản các loại cây chủ lực, có tiềm năng. Đắk Nông nghiên cứu kỹ tiềm năng từng thị trường, từ đó, tập trung chỉ đạo các cơ quan tham mưu tính toán phù hợp”, đồng chí Trần Xuân Hải nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết, việc bố trí quy hoạch đất để tập trung kêu gọi các dự án vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến công nghệ cao, sản phẩm sạch hiện vẫn còn khó khăn.
Nhiều trường hợp mới vào hoạt động chưa mang lại kết quả nhiều. Quá trình xúc tiến thương mại để xuất khẩu sản phẩm chính ngạch vào các nước như: Úc, Trung Quốc, các nước Đông Bắc Á… còn hạn chế.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Đắk Nông có nguồn lực phát triển chưa nhiều, trình độ phát triển chưa cao. Tỉnh nên chọn nội hàm chặt chẽ trong phát triển các mặt hàng nông sản, nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hình thành chuỗi liên kết
Phải khẳng định một điều rằng, nông sản Đắk Nông nhiều lợi thế, nhưng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Muốn nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, Đắk Nông phải xây dựng được chuỗi liên kết giá trị. Từ sản xuất đến khâu cuối cùng là đầu ra phải được bảo đảm thông suốt.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Đắk Nông không nên đặt vấn đề chỉ có nông nghiệp công nghệ cao, mà nên đặt chuỗi nông sản, đặc sản cao.
“Chuỗi này không hàm nghĩa chỉ có nông nghiệp, mà đây còn là chuỗi liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ phân phối sau này. Như vậy, lợi ích về giá trị gia tăng cho Đắk Nông nói chung, giá trị nông sản nói riêng sẽ tăng nhiều hơn”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, với nông sản, cần tạo được nhiều chuỗi liên kết. Doanh nghiệp cần đầu tư dài hơi, đồng hành với nông dân trong việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn cao.
Về phía người nông dân, tuân thủ quy trình canh tác, sản xuất theo xu hướng hữu cơ, tránh chạy theo lợi nhuận trước mắt. Các tiêu chí trong sản xuất như: VietGAP, GlobalGAP… cần được đưa vào áp dụng rộng rãi. Từ thay đổi cách làm, cách tiếp cận đến xây dựng thương hiệu phải thực hiện theo hướng cung cấp các giá trị.
“Chúng ta phải cung cấp cái mà thị trường đang cần, chứ không phải toàn bộ những gì chúng ta có”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên khẳng định.