Đắk Nông có tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp hiện đạt trên 309.397ha, tăng gấp 2 lần so với lúc mới tái lập tỉnh (2004). Trong đó, diện tích cây công nghiệp, cây lâu năm trên 235.200ha; cây hàng năm gần 74.000ha.
Tỉnh xác định và xây dựng thành công các vùng nguyên liệu lớn đối với 4 loại cây trồng chủ lực gồm: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều. Tỉnh phát triển chăn nuôi quy mô lớn heo, bò, gia cầm…
Những năm qua, Đắk Nông xác định xây và dựng nhiều loại sản phẩm nông nghiệp để phục vụ xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều chuỗi liên kết sản xuất. Tỉnh có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, góp phần đưa nông sản Đắk Nông vươn ra thị trường thế giới.
DNTN Toàn Hằng, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp là một trong những doanh nghiệp chủ lực chế biến cà phê xuất khẩu của Đắk Nông. Doanh nghiệp hiện đang là đối tác tin cậy của hơn 100 công ty trong và ngoài nước.
Sau nhiều năm tham gia thị trường xuất khẩu, đến nay, mặt hàng cà phê của doanh nghiệp đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Đức, Tây Ban Nha và Philippines…. Bình quân mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng ra thị trường khoảng 30.000 tấn cà phê.
Doanh nghiệp hiện đang liên kết với gần 11.000 nông hộ quanh vùng để sản xuất 1.500ha cà phê và xây dựng nhà máy theo các tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9001, ISO 22000, HACCP, 4C, UTZ-RA…
“Doanh nghiệp luôn sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực nông nghiệp để xây dựng thương hiệu nông sản cho Đắk Nông”, ông Trương Công Toàn, Chủ DNTN Toàn Hằng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt Công ty TNHH Hồng Đức, huyện Đắk R’lấp cho biết, điều rang muối chính là một trong những sản phẩm khởi nguồn cho chuỗi chế biến sâu phục vụ xuất khẩu sau của công ty.
Từ năm 2008, sau thời gian nghiên cứu, nắm bắt thị trường, những mẻ điều rang muối đầu tiên đã được xuất lò, nhưng vẫn chỉ cung ứng cho thị trường nhỏ lẻ.
Đến tháng 8/2017, sản phẩm tình cờ được một khách hàng ở Trung Quốc biết đến và lập tức kết nối, rồi ký kết mua hàng với số lượng lớn. Đây cũng chính là bước đệm lớn nhất mang lại thành công cho thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp ngày nay.
Đắk Nông hiện có 18 doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu; trong đó, có 12 doanh nghiệp tham gia ổn định. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu, giữ vai trò quyết định đến sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (Công ty Olam); doanh nghiệp Nhà nước chiếm gần 20%, còn lại là doanh nghiệp tư nhân.
Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, quy mô các mặt hàng xuất khẩu của Đắk Nông đã được tăng lên đáng kể. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm có: cà phê, hạt điều, hạt tiêu, ván MDF, alumin…
Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Đắk Nông được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định là Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Nhật Bản… Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ mới đến các nước châu Phi, Trung Đông…
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới của Đắk Nông đang có những bước tiến đáng kể. Trong đó, tập trung cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su, sầu riêng, xoài, bơ…
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Út cho hay: “Thương mại phát triển đã góp phần tích cực trong thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các ngành sản xuất. Hoạt động này cũng đồng thời tạo ra thị trường hàng hóa sôi động, đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Giai đoạn 2004-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đắk Nông đạt 11.867 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 18,61%/năm. Trong đó, riêng năm 2023 đạt 1.271 triệu USD, tăng gần 25,6 lần so với năm 2004.