Những năm qua, ngành Nông nghiệp của huyện Đắk Song từng bước định hình, phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn. Người dân, doanh nghiệp chú trọng hơn đến khâu liên kết để nâng hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Gia đình ông Phạm Văn Hưng, xã Thuận Hạnh (Đắk Song), có hơn 2 ha hồ tiêu đang thời tiêu kinh doanh. Hơn 5 năm nay, ông hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoá học. Ông chuyển sang dùng phân hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học để chăm sóc, phòng bệnh cho vườn tiêu.
Ông Hưng cho biết: “Trồng tiêu hữu cơ mang lại nhiều lợi ích. Trong đó, người trồng không phải sử dụng thuốc hoá học. Môi trường sản xuất bảo đảm, sản phẩm đạt chất lượng cao”.
Những năm qua, HTX Đoàn Kết và HTX Thành Công, xã Nam Bình đã liên kết với Công ty Newman Group xây dựng vùng sản xuất cà phê theo hướng công nghệ cao. Chuỗi liên kết đã thu hút hơn 200 nông hộ tham gia, với diện tích 450 ha cà phê.
Theo ông Vũ Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Nam Bình, vùng sản xuất cà phê đã đáp ứng tương đối các tiêu chí hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sản phẩm cà phê của nông dân được doanh nghiệp cam kết tiêu thụ từ 400-500 tấn/năm.
Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Đắk Song hiện có 54.577 ha. Trong đó, diện tích cây ngắn ngày 12.167 ha; cây dài ngày 42.590 ha (cà phê 23.375 ha, sản lượng 56.202 tấn; hồ tiêu 13.795 ha, sản lượng 33.175 tấn).
Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song cho biết, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Nổi bật có Công ty Trân Châu liên kết với 410 hộ sản xuất 926 ha hồ tiêu theo tiêu chuẩn Rainforst, với sản lượng 2.974 tấn/năm.
Công ty SAM Agritech liên kết với 200 hộ sản xuất 300 ha hồ tiêu theo tiêu chuẩn Rainforst, sản lượng 1.000 tấn/năm. Công ty CP HAPROSIMAX liên kết nhóm hộ sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn Rainforst Alliane tại xã Nam N’jang, với quy mô 300 ha, sản lượng 1.000 tấn/năm.
Huyện Đắk Song đang có 2.332 ha hồ tiêu đạt chứng nhận các loại; gần 35 ha rau xanh có chứng nhận VietGAP; 3 ha rau xanh có chứng nhận rau hữu cơ Việt Nam; 40 ha sầu riêng, 25 ha bơ có chứng nhận VietGAP…
Theo ông Võ Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, với mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, việc sử dụng một cách có hiệu quả các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực đang ngày càng được nông dân chú trọng.
Các mô hình sản xuất an toàn, bền vững đang được phát triển rộng rãi trên địa bàn huyện. Từ đó, giúp sản phẩm nông nghiệp của huyện ngày càng gia tăng giá trị.
Huyện Đắk Song đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bảo đảm đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.
“Phải bảo đảm năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Có như vậy, việc tiêu thụ sản phẩm mới ổn định lâu dài”, ông Tuấn cho biết.