Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), BĐKH tác động rất lớn đến canh tác nông nghiệp của người dân. Hiện tượng El Nino gây hạn hán kéo dài làm lượng mưa, mực nước trên các sông, suối, nước ngầm suy giảm dẫn đến thiếu nước tưới cho cây trồng, làm giảm năng suất, thu nhập của nông dân. Đối phó với tình trạng này, Đắk Nông đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả.
Gia đình ông Lê Đăng Thế, bon Đắk M’rê, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có hơn 2ha cà phê kết hợp trồng xen hồ tiêu, cây ăn trái. Năm 2020, gia đình ông Thế được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để xây hồ chứa nước, khoan giếng và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 1ha cà phê.
Ông Thế cho biết: “Tưới tiết kiệm giúp tôi hạn chế sử dụng lượng nước lớn cho mỗi lần tưới cà phê, hồ tiêu gây tốn nhiều chi phí, làm tăng giá thành sản xuất. Đây là biện pháp phù hợp trong điều kiện BĐKH hiện nay”.
Còn tại HTX hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến, xã Nam Bình, huyện Đắk Song (Đắk Nông), nhiều thành viên HTX đã trồng xen canh cây mắc ca, sầu riêng vào vườn cà phê. Việc xen canh cây ăn quả giúp cây trồng thích ứng hơn trong điều kiện thời tiết cực đoan.
Với hình thức canh tác này, đất sản xuất giữ lại thảm thực vật, giúp giữ ẩm cho đất, giảm lượng nước tưới trong mùa khô. HTX còn hướng dẫn các thành viên thay thế phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật bằng phân vi sinh, sinh phẩm hữu cơ để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, tại một số vườn xen canh tốt, năng suất hồ tiêu đạt trung bình từ 3 – 4 tấn/ha. Sản phẩm từ cây ăn trái cũng giúp các thành viên có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Để ứng phó với BĐKH, nhiều mô hình sản xuất đa cây, nông lâm kết hợp được người dân Đắk Nông áp dụng mang lại hiệu quả. Trong đó, các mô hình nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp phục hồi, hồ tiêu, cà phê cảnh quan tại một số nhà vườn ở Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil, TP. Gia Nghĩa… áp dụng thành công
Theo TS. Nguyễn Hùng Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng phó BĐKH (Bộ TN–MT), trong thời gian sắp tới, tình hình BĐKH của Việt Nam nói chung và Đắk Nông nói riêng sẽ nhiều hơn về mật độ và tăng hơn về cường độ.
“Việc nhận diện ra những tác động của BĐKH là rất cần thiết. Từ đó, địa phương có những giải pháp để thích ứng, phòng ngừa những rủi ro, tổn thương có thể xảy ra”, TS. Nguyễn Hùng Minh cho biết thêm.
Đối với Đắk Nông, ngành Nông nghiệp là lĩnh vực có tỷ trọng lớn đối với kinh tế của địa phương. Đắk Nông đã xây dựng kịch bản ứng phó với BĐKH. Ngành Nông nghiệp đã thực hiện phương án, kế hoạch phân vùng cho các loại cây trồng chủ lực để thích ứng với BĐKH.
Theo kế hoạch đến năm 2030, Đắk Nông có khoảng 184.000ha cây trồng cần nước tưới. Tỉnh sẽ nâng cấp, xây mới 102 công trình thủy lợi các loại để phục vụ tưới, chống BĐKH. Tỉnh tiến hành nhiều biện pháp để chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, tái tạo nguồn nước phục vụ phát triển sản xuất bền vững hơn.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, Đắk Nông đang hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, chuỗi giá trị gắn với BĐKH. Toàn tỉnh đang hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với thị trường trong nước, xuất khẩu, thích ứng với thời tiết, khí hậu…