Giá trị cây trồng, vật nuôi đều tăng trưởng
Năm 2024, sản xuất nông nghiệp Đắk Nông gặp không ít khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra, nhất là tình trạng khô hạn, mưa lũ, ảnh hưởng lớn đến trồng trọt, chăn nuôi.
Tỉnh đã có khoảng 8.000ha cây trồng ngắn ngày, dài ngày bị ảnh hưởng năng suất, sản lượng do hạn hán, dông, lốc gây ra trong năm 2024.
Dù đối diện với nhiều bất lợi nhưng với sự nỗ lực lớn của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành chức năng, các địa phương, toàn ngành Nông nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực, nối tiếp được đà thắng lợi của năm 2023.
Trong đó, diện tích sản xuất, năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng, quy mô đàn vật nuôi đều tăng. Nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội khác như nông thôn mới, OCOP, phát triển rừng… đều đạt kế hoạch năm.
Gia đình bà Triệu Thị Làn, thôn 8, xã Cư K’nia, huyện Cư Jút có gần 1ha ruộng lúa. Năm 2024, gia đình bà sản xuất 2 vụ lúa đông xuân, hè thu và đều thắng lợi.
Bà Làn cho biết, năm nay, một số thời điểm không bảo đảm nước tưới cho ruộng lúa. Thời tiết giai đoạn lúa trổ bông, đứng cái cũng bất lợi.
Nhưng nhờ gia đình sử dụng giống lúa lai, lúa thuần như RVT, ST25, cộng với chú trọng chăm sóc, bón phân cân đối nên diện tích lúa phát triển tốt.
Năng suất lúa đạt khá cao, khoảng 7 tấn/ha. Gia đình bà không chỉ bảo đảm lương thực cho cả năm mà còn có nguồn thu đáng kể từ trồng lúa.
Vụ đông xuân 2023 – 2024, người dân Đắk Nông xuống giống gần 10.500 ha cây trồng các loại, tăng gần 300ha so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng vụ này ước đạt trên 94.700 tấn, tăng gần 5.200 tấn so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, khô hạn, mưa bão cũng ảnh hưởng lớn đối với cây dài ngày, nhất là đối với cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, cây ăn quả… Tuy nhiên, qua đánh giá của Sở NN-PTNT, cơ bản nhà nông, doanh nghiệp đều giành thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp.
Điển hình, năm qua, nhà nông trong tỉnh đã có vụ sầu riêng thành công. Ông Bùi Quốc Việt, thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa có trên 1.000 cây sầu riêng giống Dona trồng thuần cho thu hoạch với sản lượng khoảng 100 tấn.
Năm 2024, hầu hết sản phẩm sầu riêng của ông Việt được xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc nhờ có mã vùng trồng. Ông được hưởng lợi cao hơn về giá bán, không chịu tác động lên xuống của thị trường. Tổng thu nhập từ vườn sầu riêng của ông lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo Sở NN-PTNT, sầu riêng của Đắk Nông phần lớn chín sớm hơn một số tỉnh lân cận nên có được lợi thế về giá bán. Đắk Nông có 11.654ha sầu riêng, sản lượng ước đạt 41.500 tấn, tăng 3.839 tấn so với năm 2023. Tổng thu nhập từ sầu riêng của Đắk Nông đạt khoảng 2.490 tỷ đồng.
Cùng với sầu riêng, cuối năm nay, gần 10.000 nông hộ trồng cà phê của Đắk Nông cũng rất phấn khởi khi có mùa thu hoạch được giá. Giá cà phê đang cao kỷ lục trong vòng hàng chục năm qua, đạt mốc trên 100.000 đồng/kg.
Chị Trần Thị Thoa, thôn 9, xã Nam Bình, huyện Đắk Song vui mừng: “Đầu mùa, gia đình gặp khó khăn do thiếu nước tưới, chăm sóc, phòng bệnh cho cà phê nhưng cuối mùa vẫn đạt năng suất cao. Với 3ha cà phê, đạt trên 9 tấn nhân, gia đình thu lãi trên 500 triệu đồng”.
Lĩnh vực chăn nuôi năm 2024 cũng giành được những kết quả hết sức khả quan. Mặc dù dịch bệnh nguy hiểm vẫn xảy ra nhưng ngành chức năng, các địa phương đã nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch nên không lây lan ra diện rộng. Người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh chăn nuôi nên quy mô đàn vật nuôi của Đắk Nông phát triển khá ổn định.
Năm 2024, tổng đàn bò của tỉnh đạt 27.000 con, tăng 3.000 so với năm trước; đàn heo đạt 480.000 con, tăng 50.000 so với năm trước; đàn gia cầm đạt 3 triệu con, tăng 900.000 so với năm trước.
Chuyên sâu, chuyên nghiệp hóa sản xuất
Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông Phạm Tuấn Anh thông tin, năm 2024, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi có sự phát triển về chiều rộng, chiều sâu và ngày càng chuyên nghiệp hóa. Nhờ thế, giá trị nhiều ngành hàng nông sản tăng cao.
Trước hết, khâu liên kết với thị trường được người dân, doanh nghiệp quan tâm. Từ sản xuất, thu hoạch và chế biến đều gia tăng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tiêu chuẩn chất lượng.
Đến nay, Đắk Nông có 73 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thuộc 10 ngành hàng, khoảng 9.800 hộ dân tham gia. Một số liên kết có quy mô lớn, phát triển ổn định và giá trị liên kết cao như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, heo, gia cầm…
Liên kết sản xuất theo chuỗi góp phần thúc đẩy các mặt hàng chủ lực, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến.
“Các chuỗi giá trị nông sản ngày càng mở rộng quy mô, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu”, ông Anh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2024 tiếp nối những thành công của năm 2023. Đắk Nông hiện có 124 sản phẩm OCOP từ 3 – 4 sao của 97 chủ thể, tăng 31 sản phẩm so với cuối năm 2023.
Trong đó có 18 sản phẩm 4 sao và 82 sản phẩm 3 sao. Trong 18 sản phẩm đạt 4 sao, có 2 sản phẩm đang đề nghị cấp Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao.
OCOP đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, được người dân hưởng ứng tích cực và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa.
Các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chương trình OCOP nâng tầm giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, giúp chủ cơ sở tiếp cận với quy trình chế biến sâu, đầu tư nghiêm túc cho kinh tế nông nghiệp.
Năm 2024 tiếp tục khẳng định là năm vượt khó, ghi điểm của toàn ngành Nông nghiệp, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh, bảo đảm thu nhập, giảm nghèo ở các địa phương.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-nghiep-dak-nong-mot-nam-vuot-kho-ghi-diem-238608.html