Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
Huyện Tuy Đức có gần 50.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp giữ vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Huyện xác định, khoa học công nghệ là động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản, tạo bước đột phá cho tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Thời gian qua, huyện đã tập trung tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân tích cực sử dụng các giống mới vào sản xuất. Bà con được vận động ứng dụng công nghệ cao, các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa vào sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm.
Huyện đã phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao các quy trình sản xuất như: hồ tiêu hữu cơ bền vững; cà phê theo tiêu chuẩn 4C; rau xanh an toàn trong nhà màng; nhân giống khoai lang Nhật Bản bằng nuôi cấy mô; ủ vỏ cà phê bằng men vi sinh làm phân bón; kỹ thuật chăn nuôi heo thịt hướng nạc; nuôi gà an toàn sinh học; chăn nuôi bò thịt chất lượng cao…
Ông Nguyễn Phú Cường, thôn 1, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) có 2 ha cà phê trồng thuần đã cho thu hoạch năm thứ 14. Những năm qua, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về sản xuất cà phê và áp dụng vào thực tiễn. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất cà phê ngày càng được cải thiện. Năm nay, ông ước tính thu được khoảng 10 tấn cà phê nhân/2 ha.
Ông Cường cho biết: “Qua các lớp tập huấn đã giúp tôi chăm sóc cây cà phê hiệu quả hơn. Tôi tập trung chăm sóc cà phê vào đầu mùa mưa, thời điểm cây cần tăng cường phân bón, phòng trừ sâu bệnh… Tôi sử dụng phân thuốc, hữu cơ để vừa bón cho cây, vừa cải tạo đất, vừa bảo đảm an toàn”.
Thời gian qua, huyện Tuy Đức đã triển khai khảo nghiệm nhiều giống lúa lai năng suất, chất lượng cao. Sau khảo nghiệm, huyện đưa vào sản xuất đại trà 6 giống lúa mới: Nghi Hương 2308, Nhị ưu 838, PC15, HT1, VT404, Quy ưu 1. Các giống lúa này đều thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương.
Huyện đưa các giống cà phê mới cho năng suất cao như TR4, TR9, TRS1… vào sản xuất. Các loại cây ăn trái chất lượng được thị trường ưa chuộng như: sầu riêng ghép Thái lan, bơ booth, mít Thái siêu sớm… cũng được nhiều bà con đưa vào sản xuất.
Theo đánh giá của UBND huyện Tuy Đức, tỷ lệ sử dụng giống mới ở các loại cây trồng chính của huyện đạt từ 80 – 95%. Giống mới giúp năng suất cây trồng tăng từ 5 – 10%. Ngoài đột phá về giống, yếu tố khoa học, công nghệ được ngành Nông nghiệp Tuy Đức chú trọng. Người dân trên địa bàn đã áp dụng rộng rãi khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhất là một số khâu như làm đất, vận chuyển nông sản, thu hoạch, bảo quản và chế biến.
Ông Kiều Quí Diện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, ngành Nông nghiệp huyện đang tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế gắn với thị trường tiêu thụ, định hướng xuất khẩu và xây dựng nông thôn mới.
Huyện Tuy Đức đang xây dựng 4 mã vùng trồng gồm: vùng trồng chanh dây 20,5 ha, vùng trồng sầu riêng 16,5 ha; vùng trồng chanh dây tại xã Đắk Ngo 10 ha và vùng trồng chanh dây tại xã Đắk R’tíh 12 ha. Huyện cũng đang xây dựng mã cơ sở đóng gói chanh dây tại xã Quảng Tân.
Đổi mới sản xuất, kết nối thị trường
Hiện nay, huyện Tuy Đức tập trung mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất, xác định rõ cây trồng, vật nuôi chủ lực, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Cụ thể, huyện đã hình thành vùng sản xuất quy mô lớn như: vùng sản xuất điều tại xã Đắk Ngo, Quảng Tân 9.780 ha; vùng sản xuất cà phê tại xã Quảng Tân, Đắk R’tih, Đắk Búk So 12.300 ha; vùng sản xuất hồ tiêu tại xã Quảng Tân, Quảng Tâm và Đắk Búk So 1.800 ha; vùng sản xuất mắc ca tại xã Quảng Trực, Quảng Tâm, Đắk Búk So 1.420 ha; vùng sản xuất rau xanh tại xã Đắk Búk So, Quảng Tâm 250 ha.
Đến nay, huyện Tuy Đức có hơn 800 ha cây trồng đạt chứng nhận các quy trình chứng nhận như: VietGAP, hữu cơ, 4C… Huyện đang phát triển 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cà phê, hồ tiêu, điều, cao su); 3 sản phẩm chủ lực cấp huyện (khoai lang, sầu riêng, bơ) và 2 sản phẩm tiềm năng có lợi thế cạnh tranh (mắc ca, bò thịt).
Cùng với đó, huyện Tuy Đức tập trung phát triển các cơ sở chế biến để nâng cao giá trị nông sản địa phương. Đến nay, huyện có trên 36 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản. Các sản phẩm chế biến của huyện đã bước đầu xây dựng được hình ảnh, thương hiệu.
Huyện Tuy Đức tập trung thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp. Huyện thường xuyên hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Năm 2022, tỷ trọng trồng trọt của huyện Tuy Đức chiếm 86,5%; chăn nuôi chiếm 9,7%; dịch vụ nông nghiệp chiếm 3,8%. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất trồng trọt của huyện đạt 90 triệu đồng.
Theo ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, huyện đang tập trung vào các giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, trọng tâm là huyện đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả.
Huyện khuyến khích và tạo thuận lợi cho HTX, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển. Huyện đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào phát triển kinh tế trang trại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng chuyên môn hóa. Ngành chức năng của huyện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX cải tiến mẫu mã, bao bì, xây dựng, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.