Chị Trương Thị Hạnh, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) có hơn 100 cây hồ tiêu, thu về 4 tạ hồ tiêu hạt. Theo chị Hạnh, giá hồ tiêu tăng cao so với năm 2023, ở mức 92.000 – 94.000 đồng/kg. Thế nhưng, chị chưa bán vì tính ra chưa có lời bao nhiêu.
Ông Hoàng Văn Sỹ, ở xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) tham gia nhóm gồm 35 hộ trồng hồ tiêu sạch, với tổng diện tích khoảng 60ha.
Ông Sỹ cho biết, năm nay năng suất vườn tiêu của các hộ trong nhóm không đồng đều. Sản lượng có gia đình tăng, nhưng có những hộ giảm. Gia đình ông có 1ha hồ tiêu đang thu hoạch, ước đạt dưới 2 tấn.
Hồ tiêu tăng giá, nhưng ông Sỹ vẫn kiên nhẫn, chưa vội bán ra. “Chúng tôi chỉ bán lượng hồ tiêu vừa đủ khi cần tiền tái đầu tư, chi phí cho cuộc sống, số còn lại phơi khô cất trong kho. Tính ra, trồng hồ tiêu với chi phí phân bón, công tưới, thu hoạch cao như hiện nay thì giá bán phải ở mức 120.000 – 150.000 đồng/kg trở lên đời sống nông dân mới khá”, ông Sỹ cho biết.
HTX Sản xuất TM-DV Bình Minh, xã Ea Pô, huyện Cư Jút (Đắk Nông) có 825 thành viên, thành viên liên kết trồng 2.000ha hồ tiêu theo các tiêu chuẩn an toàn sinh học, nông sản sạch của thế giới.
Ông Lê Anh Sơn, Giám đốc HTX cho biết, nếu nông dân Việt Nam đoàn kết với phương châm “cần tiền đến đâu, bán đến đó”; cất nông sản ở nhà, không ký gửi thì sẽ chủ động quản lý giá và giá có thể còn tăng cao.
Với kinh nghiệm của mình, ông Sơn cho biết, tháng 3 hàng năm Việt Nam thường xuất khẩu hồ tiêu cao nhất trong năm. Điển hình như tháng 3/2023, Việt Nam xuất khẩu 36.000 tấn hồ tiêu, cao nhất so với các tháng còn lại.
Nếu tháng 3/2024 này, nông dân bán ra khoảng 20.000 hoặc 30.000 tấn hồ tiêu thì chắc chắn giá hồ tiêu của Việt Nam sẽ tăng cao. “Nông dân quyết định giá bán hồ tiêu chứ không phải các công ty xuất khẩu hay những người chế biến gia vị”, ông Sơn khẳng định.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đắk Nông, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam thông tin: Sản lượng hồ tiêu trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang giảm.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thời tiết, nông dân chuyển diện tích từng trồng hồ tiêu sang trồng các nông sản khác, nguồn cung hồ tiêu trên thị trường thế giới giảm…
Bà Liên khuyên nông dân phải làm tiêu sạch để tăng cạnh tranh về giá. Các nước càng ngày càng quản lý chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nên sẽ rất khó bán nông sản. Lúc đó, nông dân hoặc phải giảm giá hoặc chỉ bán sản phẩm ở những thị trường kém, hiệu quả kinh tế thấp.
Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cũng đánh giá, hiện nay, giá hồ tiêu đang cao, nhưng người dân bán ra ít, người mua không có hàng.
“Người mua nhiều thì giá lên. Người mua ít thì giá xuống. Dân cần tiền thì bán. Dân chưa cần tiền thì cứ chờ giá tốt hơn. Quyền bán nông sản là của người dân”, bà Hoàng Thị Liên nhấn mạnh.
Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) dự báo, sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 giảm ở các nước sản xuất chính. Việt Nam vẫn là quốc gia xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới. Bộ NN-PTNT cũng dự kiến, sản lượng hạt tiêu của nước ta năm 2024 chỉ đạt 170.000 tấn, giảm trên 10% so với năm 2023.