Nhiều năm gắn bó với công tác xã hội, anh Dương Minh Miên, ở bon Păng Suôi, xã Đắk R’măng nhận thấy, một số bà con trong bon chưa tự giác trong phát triển kinh tế, canh tác theo kiểu được chăng hay chớ, cây cối chăm sóc không đúng cách nên hiệu quả kinh tế không cao.
Trước khi tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con, anh Miên tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các hộ làm kinh tế giỏi ở xã và các địa phương khác. Trên cơ sở đó, anh lựa chọn áp dụng khoa học kỹ thuật và mô hình đa cây, đa con để lấy ngắn nuôi dài, bảo đảm nguồn thu bền vững đối với vườn cây của mình.
Với khoảng 7ha đất (của gia đình và thuê của người khác), anh Miên đã trồng đa cây cà phê, chanh dây, sầu riêng, nhãn… Hiện nay, từ diện tích cây trồng đã cho thu hoạch, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu được khoảng 400 triệu đồng.
Anh Miên cho biết: “Mình còn trẻ, nên khi làm kinh tế tư duy cũng sẽ khác với các thế hệ đi trước. Bên cạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, tôi còn mạnh dạn, dám thay đổi cây trồng để mang lại kinh tế cao hơn. Quá trình trồng cây mới, thất bại cũng có, nhưng không vì vậy mà tôi nản. Ngược lại khi thất bại, tôi lại tìm hiểu nguyên nhân để lần sau tốt hơn”.
Từ việc phát triển kinh tế gia đình thành công, anh Miên đã truyền động lực để nhiều thanh niên và hộ dân trong bon, xã đổi mới tư duy phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống mới ấm no.
Tương tự, gia đình ông Cù Văn Đức cũng ở bon Păng Suôi hiện nay đã có cuộc sống khá giả hơn so với trước. Để có được kết quả này, ông Đức không chỉ nỗ lực, chăm chỉ mà còn mạnh dạn thay đổi tư duy làm ăn. Thay vì độc canh trong sản xuất nông nghiệp, gia đình ông Đức phát triển kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi với hơn 1ha cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi 4 con trâu, 6 con heo và hàng chục con dê. Bên cạnh đó, ông còn mạnh dạn trồng gần 7 sào dứa để chuyển đổi cây trồng và nâng cao thu nhập.
Ông Đức cho biết: “Gia đình tôi từ Thanh Hóa vào đây lập nghiệp, nên khó khăn không sợ. Khi vào đây, chúng tôi luôn cố gắng lao động, kết hợp trồng nhiều loại cây trồng, vật nuôi để bù trừ cho nhau. Gia đình cũng tận dụng phân từ việc chăn nuôi để bón cho cây trồng nên cũng đỡ một phần chi phí. Kinh tế ổn định, gia đình tôi có điều kiện để tái đầu tư cho cây trồng, vật nuôi. Đời sống gia đình vì vậy cũng nâng cao hơn trước”.
Theo ông Nguyễn Đức Tín, Chủ tịch UBND xã Đắk R’măng, thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể của xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phát huy tinh thần tự giác, tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế. Tuy có chủ trương, chính sách hỗ trợ nhưng bản thân người dân không tự nỗ lực vươn lên thì rất khó thành công. Điều đáng ghi nhận, qua tuyên truyền, vận động, người dân ngày càng ý thức tự chủ, tự lực trong phát triển kinh tế, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước như trước. Nhiều hộ dân đã chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, phát triển các mô hình hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.