Cách đây 7 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Bình, ở thôn Quảng Bình, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) bắt đầu trồng sầu riêng. Trên diện tích 4ha, ông Bình trồng sầu riêng giống Thái Lan, đến thời điểm hiện nay, có 400 cây cho thu hoạch. Ông Bình cho biết, năm nay thu được gần 90 tấn sầu riêng, bán với giá 86.000 đồng/kg. Trừ chi phí, ông lời hơn 6 tỷ đồng.
Ông Bình có 11ha đất. Trên diện tích này, ông đã đầu tư trồng 1.500 cây sầu riêng với nhiều năm xuống giống. Ông quy hoạch vườn theo các lô, thửa để thuận lợi cho việc chăm sóc sầu riêng. Hiện nay, vườn sầu riêng của ông Bình đã được cấp mã vùng trồng.
Năm tới, 1.500 cây sầu riêng của ông sẽ cho thu hoạch. Ông Bình sản xuất sầu riêng theo quy trình nông nghiệp an toàn và đã đáp ứng đủ điều kiện để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Bình chia sẻ: “Tôi chăm sóc sầu riêng theo từng giai đoạn như: xử lý vườn, làm hoa, đậu quả, chăm sóc quả non… Việc bón phân gì, xịt thuốc gì, thời điểm nào đều được tôi tính toán kỹ”.
Anh Nguyễn Bá Tòng, ở thôn 4, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp có 6ha đất trồng cây ăn trái. Trong đó, anh có 300 cây sầu riêng cho thu hoạch; 300 cây bưởi. Trung bình mỗi năm, anh Tòng thu được 50 tấn sầu riêng, 15 tấn bưởi. Vườn cây ăn trái của anh Tòng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Tòng cho biết, vùng đất Đắk R’lấp phù hợp với nhiều loại cây trồng, trong đó cây ăn trái đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh.
Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi giúp cho gia đình anh dễ áp dụng các quy trình canh tác hiệu quả. Anh kết hợp điều kiện thuận lợi của tự nhiên với tiến bộ khoa học công nghệ để sản xuất cây ăn trái theo hướng bền vững.
Huyện Đắk R’lấp có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển nhiều loại cây ăn trái. Nắm bắt lợi thế này, nhiều nông dân ở Đắk R’lấp đã xây dựng các mô hình cây ăn trái quy mô lớn. Bà con áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn, tạo nguồn thu nhập cao và bền vững từ cây ăn trái.
Huyện Đắk R’lấp hiện có gần 3.300ha cây ăn trái như sầu riêng, bơ, măng cụt, chôm chôm, vải, nhãn. Trong đó, có gần 2.000ha đã cho thu hoạch, hơn 100ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian qua, nhiều vườn cây ăn trái mang lại thu nhập cao cho người dân.
Ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp cho biết, ngoài các loại cây trồng chủ lực, cây ăn trái đang được người dân trồng ở hầu hết các xã và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt sầu riêng.
Người dân trên địa bàn đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các phương pháp như tưới nhỏ giọt, bón phân hữu cơ, quản lý dịch hại theo hướng sinh học được áp dụng rộng rãi, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Đắk R’lấp đã đồng hành với người dân thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ trong chăm sóc cây ăn trái.
Huyện làm đầu mối kết nối nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ trái cây. Ngành Nông nghiệp huyện đang tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trái cây để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Cũng theo ông Nên, huyện Đắk R’lấp khuyến khích các mô hình HTX và liên kết sản xuất cây ăn trái nhằm hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
“Hiện nay, trước sự tác động của biến đổi khí hậu, việc trồng cây ăn trái đối mặt với nhiều rủi ro. Nếu không chủ động và nắm bắt kiến thức, kịp thời xử lý theo từng thời điểm cây phát triển thì nguy cơ mất mùa sẽ rất lớn”, ông Nên cho hay.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-dan-dak-r-lap-thu-tien-ty-tu-cay-an-trai-226342.html