Thời gian này, gia đình chị Phan San Mẫy, thôn 4, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đang tích cực chăm sóc gần 5 sào lúa lai vụ đông xuân.
Lúa đã xuống giống được khoảng 1 tháng, đang vào giai đoạn phát triển ra lá mạnh, đẻ nhánh nên chị đã thực hiện tỉa dặm cho đều và chuẩn bị bón thúc lần thứ 2 cho cây phát triển.
Chị tiếp tục giữ nước cho lúa, theo dõi sâu bệnh và các loại gặm nhấm phá hoại như chuột, ốc bươư vàng. Chị Mẫy cho rằng, năm nay, theo dự báo nguồn nước tưới cho cây lúa của người dân trên cánh đồng gia đình canh tác được bảo đảm.
Tuy nhiên, với tâm lý dự phòng cho mùa khô, chị vẫn lưu ý sử dụng nước tiết kiệm. Gia đình bao, sửa lại các đoạn mương dẫn nước về ruộng, be lại bờ ruộng để bảo đảm nước không bị thất thoát.
“Vào giai đoạn cao điểm mùa khô nguồn nước sẽ rất hạn hẹp, có thể ảnh hưởng đến cây trồng. Vì vậy, chúng tôi cần tiết kiệm nước từ đầu, từ sớm để phòng trường hợp khô hạn xảy ra”, chị Mẫy cho biết.
Theo Sở NN-PTNT, vụ đông xuân là vụ nhà nông tỉnh sản xuất lúa với diện tích lớn nhất năm. Theo kế hoạch vụ đông xuân 2025, tỉnh có kế hoạch sản xuất 5.170ha lúa nước, phấn đấu đạt sản lượng khoảng 34.794 tấn.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, vụ đông xuân năm nay người dân sẽ gặp khô hạn. Do đó, việc sử dụng nước tiết kiệm, đúng cách giúp bà con bảo đảm được sản xuất an toàn, giúp cây sinh trưởng.
Qua theo dõi, hướng dẫn, người dân các địa phương đã xuống giống được đến cuối tháng 12/2024, với tinh thần chuẩn bị kỹ càng, xuống giống nhanh, người dân tỉnh đã sản xuất trên 1.100ha lúa.
Sở NN-PTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn một số giải pháp sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hợp lý, phòng chống hạn ngay từ đầu vụ.
Đối với cây lúa, để tiết kiệm nước tưới cho cây lúa cần áp dụng phương pháp điều tiết nước “ngập khô xen kẽ” theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Cụ thể, ở giai đoạn lúa đẻ nhánh điều tiết mực nước trong ruộng không vượt quá 3cm, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung.
Giai đoạn lúa kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu cần tháo cạn nước để đất nứt chân chim nhằm hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu. Giai đoạn lúa làm đòng và trổ bông thì giữ mực nước cạn từ 2-3cm.
Giai đoạn lúa chín, tưới đủ nước và rút cạn nước trước khi thu hoạch từ 7-10. Khi áp dụng phương pháp tưới nước “ngập khô xen kẽ” sẽ tiết kiện được nước tưới, hạn chế tổn thất nước trên đồng ruộng do thấm, bốc hơi.
Để ruộng khô ráo nước sẽ hạn chế được các nhánh đẻ muộn, cây lúa huy động được nhiều chất dinh dưỡng, tăng độ cứng của gốc lúa, chống đổ ngã, hạn chế được một số bệnh trên cây lúa như bệnh khô vằn…
Đối với cây trồng cạn, cần ít nước hơn so với cây lúa, nhưng thiếu hoặc thừa nước đều ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây. Để tiết kiệm nước tưới trên cây trồng cạn cần áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật.
Trước hết, nhà nông chú ý làm đất kỹ gồm cày sâu, bừa kỹ, san phẳng, lên hàng, lên luống. Bà con tăng lượng bón phân hữu cơ để nâng cao khả năng giữ ẩm của đất, tiến hành tưới thấm theo rãnh, hàng. Tưới nước theo nhu cầu từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng.
Ví dụ như đối với cây bắp ở giai đoạn trổ cờ phun râu cần phải tưới nước đủ ẩm. Khi áp dụng các biện pháp trên, ngoài tiết kiệm nước còn tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế một số sâu bệnh như thối thân trên cây bắp, lở cổ rễ trên các cây rau màu, thán thư trên cây ớt…
Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2024-2025, Đắk Nông phấn đấu gieo trồng 10.400ha cây trồng ngắn ngày các loại . Trong đó, lúa nước 5.170ha; bắp 2.151ha; rau các loại 1.978ha; khoai lang 1.100ha… Tỉnh phấn đấu đạt tổng sản lượng lương thực trên 50.396 tấn
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-dan-dak-nong-voi-phuong-phap-tuoi-nuoc-ngap-kho-xen-ke-239159.html