Mới đây, tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đối thoại với nông dân năm 2024, nhiều nông dân có ý kiến về việc gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ông Trần Văn Giang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong phản ánh, nông dân rất khó tiếp cận với các nguồn vốn, đặc biệt là vốn thế chấp để đầu tư sản xuất.
Ông Giang cũng phản ánh việc khởi nghiệp của nông dân gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao và đề nghị các cấp, các ngành có hướng hỗ trợ để bà con tiếp cận vốn dễ hơn.
Cũng tại hội nghị, chị Bùi Thị Khánh Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông, TP. Gia Nghĩa, chia sẻ về khó khăn trong tiếp cận vốn.
Công ty của chị thành lập được 3 năm và đã đầu tư trên 17 tỷ đồng vào nông trại 22ha để phát triển sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm. Thế nhưng, phần lớn nguồn vốn này đều được các ngân hàng ngoài tỉnh cho vay.
Chị Hòa cho biết, để sản xuất nông nghiệp cần nguồn vốn rất lớn. Chị đã từng đến các ngân hàng tại Đắk Nông để vay vốn nhưng đến nay chưa tiếp cận được. Trong khi đó, chị đến các ngân hàng ngoài tỉnh lại được tạo điều kiện và giải quyết cho vay vốn rất nhanh chóng.
Vấn đề khó tiếp cận vốn vay, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười chia sẻ, đây là câu chuyện mà nông dân, doanh nghiệp đã nói nhiều lần trong thời gian qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nêu: “Tại sao các ngân hàng trên địa bàn Đắk Nông định giá mảnh đất 1ha thì trị giá 10 đồng mà các ngân hàng lân cận thì định giá 15 đồng, gấp rưỡi hoặc gấp hai lần? Đây là cái chúng ta rất cần suy nghĩ”.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười, phần lớn nông dân khi được mùa, được giá thì nhiều tiền, chưa tái đầu tư đã gửi ngân hàng để an toàn, nhưng phần lớn không gửi tại Đắk Nông mà gửi ở các ngân hàng lân cận.
“Đây là câu chuyện rất buồn. Bởi vì vay không được, vay chỗ khác thuận lợi hơn. Có qua, có lại mới toại lòng nhau thì người ta phải gửi ở những nơi dễ cho vay”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười phân tích.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười cũng chia sẻ, hiện nay tại Đắk Nông đã có nhiều ngân hàng mở chi nhánh, bà con nên mạnh dạn tiếp cận.
Nông dân, doanh nghiệp, HTX phải mạnh để có nguồn đối ứng. Để nội lực kinh tế mạnh thì bà con cần đoàn kết, liên kết, thành lập HTX, tăng nguồn vốn.
Trả lời câu hỏi của nông dân tại hội nghị, ông Nguyễn Hồ Hữu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Nông cho biết, những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngân hàng luôn xác định ưu tiên đầu tư vốn.
Chính phủ có Nghị định số 85 ban hành năm 2015 và Nghị định 116 ban hành năm 2018 đã có những chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tổng dư nợ của Đắk Nông hiện 52.000 tỷ đồng thì trên 80% dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tương đương khoảng 42.000 tỷ đồng.
Ông Hữu cho biết: “Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Nông tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Ngân hàng sẽ cắt giảm các thủ tục gây phiền hà, tốn kém để người dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi nhất, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh thêm: “Tôi đề nghị người dân, HTX, doanh nghiệp và ngân hàng cần có các buổi gặp gỡ để tháo gỡ, hợp tác, tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn để cùng phát triển”.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-dan-dak-nong-van-kho-tiep-can-von-tin-dung-240081.html