Ngậm ngùi chịu thiệt hại
Nông dân là người trực tiếp đầu tư mua phân bón chăm sóc cây trồng. Thực tế cho thấy đã có những nông dân phải ngậm ngùi chịu thiệt hại vì phân bón kém chất lượng.
Chị Nguyễn Thị Hoài, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa chia sẻ, gia đình có 5 sào đất trồng cà phê, hồ tiêu hơn 20 năm. Trước đây, chị thường mua phân bón ở các đại lý. Nhiều khi, vì hoàn cảnh khó khăn nên mua nợ phân bón đợi đến cuối mùa thu hoạch mới có tiền trả.
“Những lúc mình có tiền trả ngay khi mua phân thì bón cây trồng phát triển tốt. Tuy nhiên có những lúc không có tiền phải nợ, họ bán cho mình nhìn ngoài bao bì cũng như các phân trước nhưng khi bón cho cây thì cây không xanh tốt. Có những lúc vào mùa mưa, phân bón cả tháng cho cà phê, hồ tiêu nhưng tan rất ít, hoặc phân không tan. Lúc đó, mình cũng nghi ngờ phân giả, phân kém chất lượng nhưng rất khó nói rạch ròi vì không có kiến thức. Mình đành chịu thiệt thòi vậy”, chị Hoài kể.
Việc nông dân phải ngậm ngùi về chất lượng phân bón như chị Hoài cũng xảy ra với không ít nông dân khác. Chị Vũ Thị Nguyệt, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa chia sẻ, mấy năm trước chị từng mua mấy tấn phân về bón cho cà phê. Dù tưới nhiều nước nhưng phân không tan. Sau đó, cây không xanh tốt mà bị vàng lá. Đất ở gốc cây cà phê khô cứng.
“Nông dân thì kiến thức hạn hẹp nên tôi cũng không chắc chắn có phải do phân bón hay nguyên nhân khác. Vả lại, tôi không có điều kiện bỏ tiền xét nghiệm chất lượng phân bón. Tôi cũng không nghĩ đến việc báo với cơ quan chức năng nên đành bỏ qua. Lúc đó, tôi đành chịu mất tiền và tự rút kinh nghiệm cho lần sau”, chị Nguyệt chia sẻ.
Chia sẻ của các nông dân cho thấy, phần lớn phân bón chất lượng kém thường trên bao bì ghi không rõ ràng thành phần, hàm lượng, giấy chứng nhận chất lượng, địa chỉ, số điện thoại…
Những loại phân bón này thường bán ra thị trường với giá rẻ hơn so với các sản phẩm chính hãng. Những sản phẩm này dễ dàng thu hút sự chú ý của nông dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón đóng vai trò thiết yếu nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm. Phân bón không đạt tiêu chuẩn chất lượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng và sản phẩm, sức khỏe người sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng cũng như môi trường đất, nước, không khí…
Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng có đủ thông tin và kiến thức để phân biệt giữa phân bón chất lượng với phân bón kém chất lượng, gây nguy hại.
Nông dân cần trang bị kiến thức, chủ động đấu tranh
Nông dân đóng vai trò quan trọng như một kênh thông tin để phát hiện và cùng với cơ quan chức năng ngăn chặn phân bón kém chất lượng. Do đó, nông dân cần được nâng cao nhận thức, kiến thức về cách nhận biết chất lượng phân bón.
Những năm qua, Hội Nông dân (HND) Đắk Nông tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho nông dân.
Chị Nguyễn Thị Hoài chia sẻ: “Sau khi được HND chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt, cách nhận biết chất lượng phân bón, tôi đã trồng cà phê, hồ tiêu hiệu quả. Tôi chỉ đến các công ty, đại lý uy tín và mua phân bón của những đơn vị được đánh giá chất lượng tốt”.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch HND Đắk Nông đánh giá, phân bón không bảo đảm chất lượng, thậm chí là giả, xuất hiện khá nhiều làm cho bà con nông dân bị thiệt hại.
Những năm gần đây, HND tỉnh nhận thấy sự quản lý phân bón của các ngành liên quan và chính quyền… chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Thực tế, cơ quan chức năng đã siết chặt nên đa số các đại lý, công ty hiện nay tuân thủ, chấp hành.
Đương nhiên, không thể tránh khỏi vài chỗ làm ẩu, làm bừa, không nghĩ tới hậu quả. Vài vụ việc, công an, lực lượng thị trường phát hiện, xử phạt.
Ông Hồ Gấm chia sẻ: “Thời đại công nghệ thông tin phát triển nên hiện nay rất nhiều kênh bán hàng online. Vật tư nông nghiệp mà nông dân mua online thì không ai bảo đảm về chất lượng, vì rất khó xác định được nguồn gốc. Phân bón giả có “đất sống” một phần do người dân mua trên mạng. Ở Đắk Nông, khoảng 5km có 1 công ty, đại lý bán phân bón. Đắk Nông đã có Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang – Đắk Nông cung cấp trên 200.000 tấn phân bón/năm. Bà con nên đến các đại lý, công ty uy tín mua phân bón, không nên mua online”.
Cũng theo ông Gấm, nông dân muốn sản xuất tốt, tiêu thụ sản phẩm với giá tốt thì nên tham gia vào kinh tế tập thể như HTX, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp… để được tổ chức sản xuất bài bản.
Khi tham gia vào kinh tế tập thể, nông dân được mua chung, bán chung, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Khi đó, bà con có thêm kiến thức về sản xuất, hạn chế được các loại vật tư kém chất lượng.
Ông Hồ Gấm cho biết, sản phẩm của các công ty phân bón phải có kiểm nghiệm chất lượng, công nhận của các cơ quan chức năng. Công ty phải cam kết ban đầu cho nông dân ứng trước phân bón.
Nếu phát hiện phân bón không đúng chất lượng đăng ký thì nông dân không trả phần trăm. Cây trồng suy giảm năng suất thì công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nông dân.
“Toàn bộ văn bản ký kết hợp tác, chúng tôi chuyển đến tận từng chi hội nông dân của thôn, bon, buôn. Sau đó, nông dân đăng ký mua mới đưa phân bón về. Những công ty làm ở đây thì không tính giá vận chuyển gần hay xa mà tính giá chung”, ông Hồ Gấm cho biết.
Thời gian qua, HND Đắk Nông đã mời chuyên gia về hướng dẫn kỹ thuật trồng sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, mắc ca, dâu tằm… Doanh nghiệp cung ứng phân bón đồng hành, cam kết đầu ra, đầu vào ổn định cho nông dân.
Bên cạnh sự đồng hành của các cấp, các ngành, địa phương thì nông dân phải thông thái lựa chọn sản phẩm, lựa chọn nơi mình mua phân bón và phải tổ chức sản xuất cùng nhau.
Nông dân cần có sự chủ động đấu tranh, tích cực cung cấp thông tin về chất lượng phân bón… để góp phần bảo vệ lợi ích của chính mình, đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, cơ quan chức năng và các tổ chức có liên quan là điều kiện quan trọng để ngăn chặn phân bón kém chất lượng, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-dan-dak-nong-va-nhung-ngam-ngui-voi-phan-bon-233865.html