Cũng như nhiều nông hộ trong vùng, gia đình ông Tống Kim Quang, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) có trên 8ha đất sản xuất.
Trước đây, ông Quang cũng thực hiện đa dạng các loại cây trồng, nhưng gần đây, ông dành phần lớn đất để chuyên canh cây sầu riêng.
Từ một người có trên hàng chục năm bám trụ với cây cà phê, hồ tiêu, khi chuyển sang trồng sầu riêng, ông Quang mới biết để trái sầu riêng “xanh vỏ, đều hộc, thơm ngon” không phải là chuyện dễ.
Theo ông Quang, cây sầu riêng rất mẫn cảm với thời tiết, sâu bệnh nên bất kể thời điểm phát triển lá, ra hoa, đậu trái đều phát sinh bệnh hại.
Do đó, người trồng sầu riêng luôn trong tâm trạng cảnh giác, phòng ngừa. Trong đó, cách thức phổ biến nhất mà nhà vườn nào cũng thực hiện là cứ từ 7 – 10 ngày lại mang máy đi phun thuốc.
Vì nhiều hộ sử dụng thuốc hoá học nhiều năm, không những sức khỏe bị ảnh hưởng mà sản phẩm làm ra không an toàn, sâu hại kháng thuốc, môi trường bị ô nhiễm.
Ông Quang cho biết: “3 năm nay, tôi dùng biện pháp sinh học để chăm sóc vườn sầu riêng. Với cách chăm sóc này, tôi cảm thấy tin tưởng vì vườn cây xanh tốt, ít dịch bệnh. Cây trái trong vườn mình sử dụng không vấn đề gì thì người tiêu dùng không phải lo ngại”.
Gia đình ông Kiều Quang Ngọc, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cũng có hơn 4ha sầu riêng. Từ nhiều năm nay, gia đình ông ý thức được việc duy trì sinh thái vườn sẽ giúp việc sản xuất sầu riêng của gia đình được bền vững, lâu dài.
Ông Ngọc đã áp dụng biện pháp chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ. Ông để cỏ trong vườn sầu riêng, sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, vi sinh để bón cho vườn cây.
Ông Ngọc cho hay: “Tôi tự ủ xác bã thực vật, phân chuồng để làm phân bón cho vườn cây. Việc ủ phân đúng kỹ thuật cũng giúp tiêu diệt các mầm bệnh trong thân lá tồn dư, giảm thiểu tích lũy các nấm bệnh tiềm tàng trong vườn. Do vậy, cây phát triển khá ổn định”.
Theo kỹ sư Trần Thanh Tùng, cán bộ nông nghiệp thuộc hệ thống kết nối “Mạng nhà nông”, để sản phẩm sầu riêng đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất sạch.
Hiện nay, không riêng gì Trung Quốc mà các nước ở châu Âu, Canada, một số nước có người châu Á cũng nhập số lượng lớn sầu riêng cấp đông của Việt Nam. Do đó, để sầu riêng đạt chất lượng, khâu quan trọng nhất là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Muốn giữ thị trường thì cần phải áp dụng ngay biện pháp sinh học để chăm sóc sầu riêng.
Kỹ sư Trần Thanh Tùng
cán bộ nông nghiệp thuộc hệ thống kết nối “Mạng nhà nông”
Trên cây sầu riêng chỉ có một số bệnh phổ biến là thối rễ, xì mủ, phấn trái. Còn các bệnh khác thì không nghiêm trọng lắm. Vì vậy, các cấp, ngành của tỉnh cần có các hướng dẫn, khuyến khích người dân chuyển đổi sang sử dụng các loại phân bón, thuốc sinh học.
“Trong các loại thuốc sinh học có các dòng nấm Trichoderma rất hữu hiệu trên 2 đối tượng là Fusarium gây thối rễ và Phytophthora palmivora gây xì mủ, thối trái sầu riêng. Hai loại bệnh này có thể dùng vi sinh để kiểm soát khá triệt để”, kỹ sư Trần Thanh Tùng cho biết.
Cũng theo ông Tùng, để nâng cao chất lượng sầu riêng chỉ có giải pháp duy nhất là giảm đi số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Bởi thực tế, người trồng sử dụng thuốc hóa học quá nhiều, cực kỳ tốn kém. Trong khi hiện nay thị trường có các dòng thuốc sinh học đặc trị phổ biến trên cây sầu riêng.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-dan-dak-nong-san-xuat-sau-rieng-sach-de-giu-thi-truong-218406.html