Tìm cách thích nghi với biến đổi khí hậu
Mở đầu đối thoại, chị Hoàng Thị Mỹ Linh, thôn Cao Lạng, xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút chia sẻ: Trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông chịu tổn thất nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra.
Vậy trong thời tới, UBND tỉnh, các ngành có những định hướng và giải pháp như thế nào để giúp bà con nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu?
Về nội dung này, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT chia sẻ: Biến đổi khí hậu là vấn đề rất nóng, nhận được sự quan tâm của tất cả chúng ta.
Nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Đứng trước tình hình này, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 17/8/2022 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Tuấn Anh cũng chia sẻ, năm 2024, Đắk Nông bị ảnh hưởng bởi các thiệt hại từ thiên tai đến trên 8.000ha cây trồng. Tuy nhiên, nhờ các giải pháp chủ động và sự thích ứng của bà con nông dân nên việc ảnh hưởng được giảm thiểu rất lớn.
Về lâu dài, ngành nông nghiệp và tỉnh triển khai các giải pháp và mang lại hiệu quả tích cực. Trước hết là giải pháp về chuyển đổi cây trồng. Những loại cây trồng độc canh thì được chuyển đổi theo hướng đa cây, đa tầng canh tác để hạn chế rủi ro.
Tỉnh khuyến khích bà con thay đổi phương thức canh tác. Bà con kết hợp giữa sản xuất truyền thống và hiện đại, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học độc hại mà chuyển sang sản xuất hữu cơ, tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngoài ra, nhờ các chương trình, dự án hỗ trợ mà bà con đã từng bước tổ chức sản xuất theo hướng giảm phát thải. Cụ thể như tại Gia Nghĩa và Đắk R’lấp đã có 3.000ha cà phê sản xuất theo hướng giảm phát thải. Đó là những giải pháp, phương thức được ngành nông nghiệp và UBND tỉnh triển khai.
“Thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ nông dân lựa chọn giống cây trồng tăng khả năng chống chịu, tiết kiệm nước, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết.
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Anh Vũ Thanh Hoài, Giám đốc HTX Farm, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song đặt câu hỏi: UBND tỉnh có chính sách gì để kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản, tạo việc làm cho lao động nông thôn và hình thành mô hình liên kết tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua mô hình tổ hợp tác, HTX?
Về vấn đề này, ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KH-ĐT chia sẻ, Nghị quyết số 31 của HĐND tỉnh ban hành ngày 31/12/2023 đã có nội dung hỗ trợ cho HTX rất cao, có thể tối đa đến 1,2 tỷ đồng để mua máy móc, trang thiết bị và hỗ trợ đến 3 tỷ đồng để xây dựng các nhà xưởng, khu chế biến.
Ngoài ra, còn có Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển mô hình kiểu mẫu HTX; Quyết định 677 của UBND tỉnh về hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã có Nghị quyết 25 ban hành cuối năm 2023 về hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có nông nghiệp.
Năm 2024, tỉnh đã phân bổ vốn cho Sở NN-PTNT hỗ trợ 4 HTX 5 tỷ đồng. Mặc dù, tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX hàng chục tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chiều 27/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024. Hội nghị có trên 200 đại biểu là nông dân, đại diện các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tham dự.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-dan-dak-nong-lo-lang-voi-bien-doi-khi-hau-238207.html