Hướng đi mới của nhiều nông dân
Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều nông dân ở Đắk Nông đã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Đến nay, Đắk Nông có hơn 40 mô hình du lịch nông nghiệp. Nhiều nông dân đã sớm nhìn ra hướng đi mới mẻ này.
Trong 4 năm qua, anh Nguyễn Ngọc Huy, chủ trang trại Phượng Vân ở thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa đã đầu tư tiền tỷ vào 14ha đất để phát triển sản xuất và du lịch nông nghiệp.
Anh Huy cho biết, anh từng đi du lịch nhiều tỉnh, thành phố trong nước và làm nhiều công việc liên quan đến lĩnh vực này. Anh nhận thấy, vùng đất Đắk Nông rất thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp bởi đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, nhiều cảnh quan đẹp… nên đã quyết định đầu tư để phát triển.
Trang trại Phượng Vân đã trở thành điểm dừng chân nghỉ dưỡng, trải nghiệm của nhiều du khách khi đến Đắk Nông. Du khách được trải nghiệm làm nông nghiệp như chăm sóc, thu hoạch cà phê, hoa, rau, quả và chăn nuôi. Đặc biệt, nông trại có khoảng 3ha rừng phục vụ du khách thích khám phá.
“Sản xuất gắn với phát triển du lịch nông nghiệp giúp chúng tôi tăng thêm thu nhập và phát triển bền vững”, anh Huy cho biết.
Du lịch được Đắk Nông xác định là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế. Theo chuyên gia Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Du lịch nông nghiệp Việt Nam, du lịch nông nghiệp là xu hướng phát triển của thế giới.
Tại một số nước, du lịch nông nghiệp phát triển từ lâu. Nhật Bản, Pháp, Israel, Mỹ… du lịch nông nghiệp đã làm tăng giá trị sản xuất cho sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.
Việt Nam có tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp. Hiếm có quốc gia nào như Việt Nam, nhiều nông sản xuất khẩu đứng số 1 thế giới cả về sản lượng và chất lượng. Trong đó, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, các loại trái cây… đã và đang khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Khắp đất nước Việt Nam, vùng đất nào cũng có nhiều loại cây trái, dược liệu… Trên thế giới, ít quốc gia được thiên nhiên ban tặng điều đó, như vùng đất Đắk Nông.
Những lợi thế này từ nông nghiệp rất hấp dẫn du khách quốc tế và trong nước đến với Đắk Nông. Quan trọng nữa đó là đặc trưng của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông rất khác biệt với tất cả các công viên địa chất toàn cầu khác trên thế giới.
Hệ thống hang động của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông thuộc hàng kỳ thú nhất thế giới, có nghĩa tính quốc tế rất lớn. “Đây là thuận lợi lớn cho Đắk Nông làm du lịch”, ông Tùng đánh giá.
Đắk Nông có khoảng 12 HTX đầu tư phát triển du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp. Các HTX đã tập hợp nông dân cùng đầu tư vào những lĩnh vực mà du khách đến Đắk Nông thích thú như khám phá sắc màu văn hóa, lễ hội của các dân tộc, phong cảnh thiên nhiên, đặc sản nông nghiệp…
Ông Võ Duy Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ – Thương mại –Du lịch Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong chia sẻ, hiện nay HTX liên kết với các đơn vị trong tỉnh và nhiều công ty du lịch trong nước để phát triển du lịch nông nghiệp.
Các món ăn của người dân tộc bản địa như cơm lam, rau rừng, ngủ trong nhà sàn của đồng bào, tổ chức đốt lửa trại, vui chơi tập thể… bước đầu được các HTX đầu tư và để lại ấn tượng tốt đẹp trong mỗi chuyến du lịch của nhiều du khách.
“HTX nắm bắt nhu cầu của du khách thích thú khi tham quan các căn nhà cổ, vườn cây ăn trái, thác nước, di tích lịch sử từ đó có hướng đầu tư vào những lĩnh vực này”, ông Quang cho biết.
Đồng hành với nông dân
Phát triển nông nghiệp gắn với khai thác du lịch là cách nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, nông dân Đắk Nông đang gặp những khó khăn trong triển khai mô hình và cần được chính quyền đồng hành, tháo gỡ.
Mới đây, tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân, chị Hứa Thị Niên, một nông dân tiêu biểu ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô chia sẻ, mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm đang là hướng đi mới trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, nông dân đa phần sở hữu đất nông nghiệp, nếu tự ý san lấp, cải tạo và xây dựng khuôn viên theo mô hình du lịch thì vi phạm pháp luật.
Ý kiến của chị Niên cũng là những trăn trở của nhiều nông dân. Sự băn khoăn của chị Niên nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các sở, ngành.
Giám đốc Sở Xây dựng Phan Nhật Thanh cho biết, hiện nay, UBND cấp xã đang lập quy hoạch chung xây dựng trên địa bàn hành chính.
UBND huyện, TP. Gia Nghĩa cần rà soát định hướng, quy hoạch cụ thể các khu vực phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm. Từ đó, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp với thực tế với yêu cầu phát triển nông thôn.
Về phía Sở Xây dựng, ông Thanh cho biết: “Sở sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể để người dân sớm thực hiện việc đầu tư, xây dựng công trình phục vụ du lịch trên đất nông nghiệp. Người dân đầu tư, xây dựng phát triển du lịch phải bảo vệ được cảnh quan, không phá vỡ quy hoạch chung”.
Hiện nay, UBND Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 496/KH-UBND, ngày 2/8/2023 thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 7/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH-TT-DL phối hợp với Sở NN-PTNT hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Những năm gần đây, Đắk Nông quan tâm định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng đất nông nghiệp theo các mô hình du lịch còn có tính tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm.
Thời gian tới, UBND tỉnh đẩy mạnh các giải pháp như: xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động các bên liên quan tham gia vào phát triển du lịch, bảo đảm lợi ích hợp lý giữa các bên liên quan.
Đắk Nông sẽ phát triển các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh kết nối du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp với nông nghiệp… Tỉnh hướng đến việc thực hiện các mô hình du lịch theo hướng chuyên nghiệp, thu hút du khách từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT chia sẻ, tỉnh khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường, nông nghiệp thông minh kết hợp với du lịch để tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết, Luật Đất đai năm 2024 mở ra nhiều cơ hội cho nông dân phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp với du lịch.
Xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm rất tiềm năng và bà con nên đầu tư, khai thác. Du khách các tỉnh, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… đến Đắk Nông ngày càng nhiều.
Chính quyền xã, phường, thị trấn và các huyện, thành phố, sở, ngành nên đồng hành, tạo điều kiện cho bà con phát triển nông nghiệp gắn với du lịch đúng quy định.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-dan-dak-nong-lam-du-lich-nong-nghiep-239359.html