Nâng cao mức sống người dân
Đưa chúng tôi đi thăm các mô hình phát triển kinh tế, bà Lương Thị Hằng Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong cho hay, một trong những tiêu chí được các cấp hội tập trung nhất đó là phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống cho hội viên nông dân. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được hướng dẫn tận tình, giúp bà con nâng cao khả năng canh tác.
Nhận thấy, chăn nuôi các con giống truyền thống không còn phù hợp với điều kiện của gia đình, năm 2019, bà Nguyễn Thị Duyến, thôn 8, xã Đắk Ha đã mạnh dạn chuyển sang mô hình nuôi nai lấy nhung.
Với 5 con giống khỏe mạnh ban đầu, đến nay, gia đình bà đã phát triển lên tổng đàn 11 con; trong đó, có 5 con đưa vào kinh doanh, cho thu nhập. Mỗi năm, trừ mọi chi phí đã đem về cho gia đình hàng chục triệu đồng.
Theo bà Duyến, trước kia, gia đình có nuôi dê, bò, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Với mô hình chăn nuôi mới, gia đình nhận thấy được lợi rất nhiều.
Vật nuôi này dễ ăn nên có thể tận dụng thức ăn quanh vườn. Gia đình bà lại có thể tận dụng lấy nguồn phân chuồng bón cho ruộng vườn, giúp giảm chi phí đầu tư sản xuất cây trồng.
Đặc biệt, đàn nai này có thể nuôi gần nhà mà không gây mùi, ảnh hưởng tới môi trường sống. Gia đình thường tranh thủ thời gian nhàn rỗi để chăm sóc nên không mất nhiều thời gian.
“Đây là vật nuôi phù hợp nhất cho các gia đình. Chúng tôi mong muốn được lan tỏa đến nhiều người dân. Nếu ai có nhu cầu nuôi đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bởi nhu cầu thị trường hiện nay rất lớn, không kịp đáp ứng”, bà Duyến chia sẻ.
Cách đây nhiều năm, HTX Dược liệu An Phúc Khang, xã Đắk Ha đã tập hợp nhiều nông dân cùng sở thích chuyển đổi mô hình từ trồng cây cà phê, hồ tiêu sang trồng các loại thảo dược có lợi cho sức khỏe.
Trong quá trình hoạt động, HTX đã cùng nhau tổ chức sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết. Người nông dân địa phương sẽ trồng cây dược liệu, HTX sẽ thu mua để chế biến và sản xuất thành sản phẩm.
HTX đang liên kết với bà con sản xuất một số loại dược liệu chính như: sâm đại hành, sâm bố chính, cây an xoa, nghệ bọ cạp, cây gắm và một số loài dược liệu quý trong tự nhiên khác.
HTX hiện đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm nhiều máy móc, thiết bị hiện đại như: máy sấy, máy tách tinh dầu, máy nghiền bột, máy nấu cao… vào quy trình sản xuất để tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao, tạo dựng thương hiệu.
HTX hiện có khoảng 30 dòng sản phẩm bảo vệ sức khỏe người dùng như: trà cao, trà túi lọc, các loại tinh dầu ngâm chân, bột ngâm chân…
Trong những sản phẩm của HTX có trà an xoa và trà cao găm đạt sản phẩm tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Hàng năm, HTX cung cấp khoảng 10.000 sản phẩm ra thị trường; trong đó có 6.000 sản phẩm Trà an xoa, trà cao gắm.
Giám đốc HTX Nguyễn Thị Băng cho biết, Đắk Nông có sẵn rất nhiều loài cây dược liệu. Cây trồng này nếu phát triển tốt sẽ có thể xây dựng được vùng nguyên liệu dồi dào, giúp bà con địa phương có nguồn thu nhập chính.
Hai sản phẩm trà an xoa và trà cao gắm ra đời chính là thành quả nỗ lực của các thành viên trong HTX, vừa giúp người dùng cải thiện sức khỏe, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều nông dân địa phương.
Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện Đắk Glong đạt 43,2 triệu đồng/người/năm. Đánh giá theo bộ tiêu chí xã NTM, giai đoạn 2021 – 2025, huyện có 3/7 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập. Dự kiến đến hết năm 2025, huyện có thêm 2 xã đạt tiêu chí về thu nhập.
UBND huyện Đắk Glong
Vun đắp cho các tiêu chí chính
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Glong Lê Khắc Hải cho hay, xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, các cấp hội đã không ngừng phát huy vai trò của nông dân trong hành trình này. Trong đó, tập trung nguồn lực phát triển cho các tiêu chí chính.
Một trong những mục tiêu đầu tiên đó là phát triển HTX, tổ hợp tác, trang trại. Một số HTX nông nghiệp, trang trại của địa phương hiện đang hoạt động có hiệu quả, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, tổ viên.
Từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế của huyện phát triển, xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng nông thôn.
Toàn huyện hiện có 87 HTX và trang trại nông nghiệp. Các mô hình sản xuất kinh tế tập thể ngày càng nhân rộng và kết hợp từ các nguồn dự án như quỹ hỗ trợ nông dân, vốn của Chương trình giảm nghèo…
Đến nay, các cơ sở hội đã hướng dẫn thành lập được 33 Tổ hội nghề nghiệp, 9 Chi hội nghề nghiệp và 2 Tổ hợp tác để tập trung sản xuất và có sự liên kết đem lại hiệu quả cao và sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một số HTX hoạt động hiệu quả cao như: HTX Nông nghiệp, dược liệu, dịch vụ, thương mại Thịnh Phát, HTX Dược liệu An Phúc Khang, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Plao….
Trên địa bàn huyện hiện có 7 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, phân hạng năm 2022; 5 sản phẩm được UBND huyện đánh giá, phân hạng 3 sao năm 2023, tăng 7 sản phẩm so với năm 2020.
Công tác phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, đào tạo nghề luôn được Hội Nông dân các cấp chú trọng.
Trong năm 2023, từ nguồn vốn lồng ghép của các chương trình mục tiêu quốc gia, các đơn vị, địa phương đã hỗ trợ người dân thực hiện được 60 dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí 30,7 tỷ đồng.
Trong đó, kinh phí từ ngân sách hỗ trợ 12,3 tỷ đồng, người dân đối ứng 18,4 tỷ đồng. Nguồn này bước đầu đem lại kết quả khả quan, tăng thu nhập cho người dân thuộc các đối tượng nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số.
Thời gian qua, các cấp hội đã vận động hội viên, nông dân đóng góp được 902 triệu đồng và hơn 450 ngày công lao động để làm mới, sửa chữa đường giao thông nông thôn; sửa chữa và làm mới 6 cầu cống và 5km kênh mương phục vụ cho đi lại và sản xuất của bà con.
Đặc biệt, các cấp hội đã vận động hội viên, nông dân hiến trên 17.765 m2 đất để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn.
“Người dân ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của mình trong xây dựng NTM và tự nguyện đóng góp tài lực, vật lực. Chương trình MTQG về xây dựng NTM đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế của huyện với tốc độ tăng trưởng khá. Hạ tầng kinh tế, xã hội được cải thiện rõ rệt”, ông Hải thông tin.
Giai đoạn 2021 – 2023, huyện Đắk glong mở được hơn 40 lớp dạy nghề, tổng số lao động được qua đào tạo nghề là 820 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 30,59%. Đến nay, trên địa bàn
huyện có 7/7 xã đạt tiêu chí số 12 về lao động.UBND huyện Đắk Glong
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-dan-dak-glong-thi-dua-giam-ngheo-xay-dung-nong-thon-moi-219736.html