Xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) là xã NTM nâng cao. Những năm qua, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được chính quyền và người dân xã triển khai đồng bộ.
Từ đó, xã khơi dậy truyền thống đạo lý tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm được vun đắp, mối quan hệ giữa các gia đình, cộng đồng thêm gắn bó, đời sống kinh tế – xã hội ngày càng phát triển.
Ông Y Bin Ê Ban, Buôn trưởng buôn Nui, xã Tâm Thắng cho hay: “Được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, đời sống của người dân đã được nâng lên. Đồng bào có điều kiện chăm lo đời sống tinh thần, đặc biệt là các nét đẹp văn hóa truyền thống được giữ gìn, bảo tồn và phát huy”.
Theo ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, hiện nay, tại 4 buôn ở xã Tâm Thắng còn giữ gìn nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Trong đó, có 7 bộ cồng chiêng cổ, nhiều ngôi nhà dài cổ ở buôn Buôr, buôn Ea Pô.
“Việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã khẳng định tính toàn dân, toàn diện, góp phần to lớn vào thành công trong xây dựng NTM tại địa phương. Tiêu chí văn hóa thật sự là nội lực để địa phương thực hiện thành công xã NTM nâng cao”, ông Trần Thế Quang cho biết.
Cũng theo ông Quang, hàng năm, xã Tâm Thắng có từ 15 – 20% số khu dân cư được tặng bằng khen, giấy khen của các cấp về khu dân cư văn hóa.
Qua bình xét hàng năm, xã có từ 95% gia đình trở lên đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 19/19 thôn, buôn đạt văn hóa. Xã cũng giữ vững xã văn hóa NTM.
Cũng như Tâm Thắng, các địa phương khác trong tỉnh đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phong trào xây dựng NTM cũng và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, hơn 40 lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đắk Nông được khôi phục, phục dựng.
Theo Văn phòng Điều phối NTM Đắk Nông, từ nguồn vốn Dự án 6, năm 2023, tỉnh đã phân bổ hơn 19,5 tỷ đồng để thực hiện chương trình nâng cao đời sống người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo Sở VH-TT-DL Đắk Nông, các địa phương đã quy hoạch đầu xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS tại 2 điểm là bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa và buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút.
Đắk Nông đầu tư bảo tồn văn hóa truyền thống của các DTTS tại 2 bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp và bon N’Drung Lu, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song trở thành bon văn hóa tiêu biểu để đón khách du lịch.
Đắk Nông hiện có 180 bộ chiêng; hơn 190 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc; gần 700 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống; hơn 300 nghệ nhân biết và hát những làn điệu dân ca; hơn 360 nghệ nhân biết đan lát truyền thống.
Tỉnh có 30 lễ hội truyền thống của 3 DTTS tại chỗ trên cơ sở nguyên gốc, nguyên bản. Bên cạnh đó, Sử thi Ót N’drông, nghề dệt truyền thống, dân ca M’nông đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiêu chí số 6 về văn hóa đã để lại những ấn tượng sâu sắc trên bức tranh NTM muôn màu của tỉnh.
Để bảo đảm tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM, Sở VH-TT-DL Đắk Nông đang tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng kế hoạch bảo tồn các di tích.
Đồng thời, ngành Văn hóa tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Đến nay, Đắk Nông có 40/60 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 66,7%. Trong đó, có 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Bình quân toàn tỉnh mỗi xã đạt 16,8 tiêu chí. Hiện không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí, trong đó xã đạt 19 tiêu chí có 40 xã, xã đạt từ 15-18 tiêu chí có 8 xã, xã đạt từ 10-14 tiêu chí có 12 xã.
Nguồn: https://baodaknong.vn/noi-luc-de-dak-nong-xay-dung-nong-thon-moi-225831.html