Một trong những điểm mấu chốt để sản xuất nông nghiệp đi đúng định hướng và phát triển bền vững là công tác quy hoạch. Bởi quy hoạch trong nông nghiệp sẽ giúp tổ chức và quản lý việc sử dụng đất đai một cách hợp lý nhằm tối ưu hóa sản xuất nông sản.
Tuy nhiên, đến nay, quy hoạch nông nghiệp tại Đắk Nông chưa thực sự đồng bộ. Nhiều lĩnh vực, loại cây trồng chưa được quy hoạch phát triển một cách bài bản.
Điều này dẫn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, kém bài bản, thiếu tính chuyên nghiệp, sản phẩm khó đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, phần lớn nông dân vẫn sử dụng các phương pháp canh tác truyền thống, dẫn đến năng suất thấp và chất lượng nông sản không đồng đều. Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Gia đình ông Y Nam ở thôn 2, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có 1,5ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh. Những năm qua, gia đình ông Y Nam được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay vốn ưu đãi để chăm sóc cà phê.
Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn cà phê của ông Y Nam kém phát triển, năng suất thấp.
Ông Y Nam cho biết: “Mặc dù tôi vẫn mua phân bón chăm sóc vườn cây đầy đủ nhưng năng suất chỉ đạt 2,5 – 3 tấn/ha. Số lượng cây cà phê còi cọc trong vườn tỷ lệ cao, buộc tôi phải tái canh nhiều lần”.
Cũng như ông Y Nam, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hộ nông dân thiếu nguồn lực đầu tư kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi.
Nhiều nông dân không đủ nguồn lực để đầu tư giống, phương tiện sản xuất, công nghệ chăm sóc cây trồng, vật nuôi, dẫn đến chất lượng sản phẩm còn nghèo nàn.
Bên cạnh những khó khăn ở quy mô phát triển nông hộ, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách của Đắk Nông còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến các dự án lớn hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để tháo gỡ những nút thắt trong tái cơ cấu nông nghiệp, Đắk Nông cần xây dựng quy hoạch một cách đồng bộ, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái.
Tỉnh cần xác định rõ các vùng sản xuất chủ lực để giúp tối ưu hóa sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Đắk Nông chú trọng khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo và chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Đồng thời, tỉnh tăng cường liên kết chuỗi giá trị, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ tài chính cho nông dân, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT Đắk Nông, tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện đời sống người dân.
Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần nhận diện và tháo gỡ các nút thắt để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Ngành Nông nghiệp hiện đã thấy rõ những khó khăn và đang triển khai các giải pháp để tháo gỡ.
“Các giải pháp đồng bộ và hiệu quả sẽ không chỉ giúp nông nghiệp Đắk Nông phát triển bền vững mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong tương lai,” ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.
Theo Sở NN – PTNT Đắk Nông, cơ cấu nông nghiệp của tỉnh cơ bản vẫn tập trung vào những loại cây trồng chủ lực như: cà phê 141.000ha, hồ tiêu 33.800ha, điều 16.500ha, cao su 24.650ha, sầu riêng 7.000ha… Nhìn chung, các vùng sản xuất vẫn còn phân tán, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và không tận dụng được lợi thế của địa phương.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nhung-nut-that-trong-tai-co-cau-nong-nghiep-dak-nong-233714.html