Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột đã trở thành một sự kiện nổi bật của ngành cà-phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Ngày 21/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025, với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”.
Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột diễn ra từ ngày 9 đến 13/3 với các hoạt động chính thức và một số hoạt động hưởng ứng lễ hội của các địa phương, với quy mô dự kiến khoảng 400 gian hàng.
Đặc biệt, năm 2025, Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, hoạt động Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 sẽ có nhiều hoạt động ấn tượng, phong phú và ý nghĩa.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức cho biết, qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột đã trở thành một sự kiện nổi bật của ngành cà-phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế. So với Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột năm nay sẽ có các điểm nhấn mới.
Cụ thể như Hội chợ triểm lãm chuyên ngành cà-phê và sản phẩm OCOP; Cuộc thi rang cà-phê đặc sản, Hội nghị giao thương quốc tế – Kết nối, nâng tầm Cà phê Việt; Lễ khởi công Nhà máy Cà-phê năng lượng Trung Nguyên Legend; Hội trại cà-phê “Đồng hành, chia sẻ” tại khu di tích lịch sử – văn hóa Đồn điền CADA, huyện Krông Pắc…
Ngoài ra, còn có các chương trình giới thiệu về cà-phê ứng dụng công nghệ mới để không ngừng nâng cao chất lượng, sản lượng cà-phê trong giai đoạn mới. Giới thiệu văn hóa thưởng thức cà-phê truyền thống, hiện đại qua các hoạt động như trình diễn rang xay cà-phê, du lịch trải nghiệm cà-phê hữu cơ… được tổ chức tại nhiều nơi trong tỉnh.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Hà, việc Đắk Lắk phối hợp các bộ, ngành trung ương, các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 là một hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng, giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước quảng bá sản phẩm, gắn kết sự phát triển giữa sản xuất và xuất khẩu, mở rộng thị trường và hợp tác đầu tư.
Qua đó, phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển nhanh có hiệu quả.
Lễ hội cũng được kỳ vọng là cơ hội tốt cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi hợp tác kinh doanh, góp phần đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột, xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, phát triển du lịch…
Được mệnh danh thủ phủ cà-phê của Việt Nam, tỉnh Đắk Lắk có diện tích cà-phê lớn nhất nước, với diện tích khoảng 210.000ha, hằng năm địa phương này thu hoạch đạt hơn 520.000 tấn cà-phê, chiếm hơn 30% sản lượng cà-phê toàn quốc.
Cà-phê của Đắk Lắk đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nhieu-diem-moi-tai-le-hoi-ca-phe-buon-ma-thuot-nam-2025-243514.html