Nỗi buồn sầu riêng Bình Phước
Ngày 11/9, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp tổ chức Diễn đàn nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam năm 2023 tại tỉnh Đắk Lắk.
Diễn đàn nhằm đánh giá thực trạng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra tại các vùng trồng sầu riêng ở Tây Nguyên.
Trước khi tiếp diễn thực trạng ở Tây Nguyên, nỗi “sầu chung” này cũng đã xảy ra với sầu riêng Bình Phước, nơi vụ sầu riêng vừa kết thúc chưa lâu.
Hơn 30 năm trước, ông Trương Văn Đảo – Giám đốc HTX Cây ăn trái Bàu Nghé (TX. Phước Long) là một trong những người đầu tiên trồng cây sầu riêng trên đất Bình Phước.
Ông Đảo vừa là nông dân, vừa là giám đốc HTX, vừa là doanh nghiệp thu mua, chế biến trái sầu riêng. Bao năm gắn bó với cây sầu riêng, chưa năm nào ông Đảo thấy thị trường thu mua sầu riêng sôi động như năm nay.
Ông Đảo kể, vào vụ, nhiều thương lái từ các tỉnh Tây Nguyên đến Tây Nam Bộ đổ về Bình Phước để thu mua. Người trồng sầu riêng Bình Phước vui mừng vì vừa được giá, vừa không phải lo lắng tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Do thị trường Trung Quốc hút hàng, mùa vụ sầu riêng ở Việt Nam lệch pha với sầu riêng các nước nên giá tăng cao. Giá sầu riêng trung bình cả vụ với Ri6 khoảng 52.000-55.000 đồng/kg, sầu riêng Thái từ 62.000-65.000 đồng/kg. Giá này giúp thu nhập của thành viên HTX khá tốt.
Thế nhưng, có thời điểm giá sầu riêng lên đến 90.000-100.000 đồng/kg. Vì thế, đi kèm với niềm vui là không ít nỗi lo trước giá cả thị trường đầy biến động. Vụ mùa vừa qua, lợi nhuận cao từ trái sầu riêng đã dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, đẩy giá lên cao rồi dẫn đến bỏ cọc, bỏ vườn.
Nhiều địa phương còn xảy ra tình trạng “cò” sầu riêng, gây khó khăn cho cả người dân và doanh nghiệp, đến mức chính quyền địa phương phải huy động lực lượng chức năng vào cuộc.
Ông Đảo cho biết, đẩy giá lên quá cao và cao bất bình thường là việc thứ nhất. Việc thứ 2 đáng lo nữa là nhiều người sợ rớt giá, chấp nhận cắt sầu riêng quá sớm, khiến chất lượng không đạt yêu cầu.
Ông Đảo giải thích, số lượng trái sầu riêng trên cây có độ tuổi khác nhau. Để thu hoạch toàn bộ số trái, nhà vườn thường chia ra làm 3 đợt, nghĩa là 3 lần cắt. Nhà vườn, thương lái gọi nôm na là cắt 3 dao.
Nhiềunhà vườn muốn thu hoạch sớm để hưởng giá cao, vừa để nhanh chóng phục hồi vườn cây, họ chấp nhận thu hoạch toàn bộ số sầu riêng trên cây chỉ với 1 lần cắt. Nghĩa là chỉ với 1 dao, sạch vườn.Hậu quả là trái sầu riêng non đem bán sang Trung Quốc không còn ngon vì không có mùi vị đặc trương. Người tiêu dùng từ chối hàng Việt Nam.
“Nhà vườn và thương lái nào cắt trước, bán được giá thì gặp may. Nhưng xui rủi cho nhà vườn cắt sau. Giá sầu riêng tuột xuống, lỗ quá, nhiều nơi thương lái bỏ chạy”, ông Đảo kể.
Liên kết thu mua sầu riêng Bình Phước còn lỏng lẻo
Cùng nỗi lo với ông Đảo, ông Nguyễn Xuân Hòa – Giám đốc HTX Cây ăn trái Nông Thành Phát (huyện Phú Riềng) kể, có một số bà con đem bán ra bên ngoài, không cần tới HTX nữa.
Giá sầu riêng bên ngoài cao hơn giá mà HTX duy trì từ 5.000-7.000 đồng/kg. “Vấn đề là người ta cắt non, cắt già, cắt hết luôn. Cắt bán như vậy thì làm sao bền vững được? Chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín chuỗi ngành hàng sầu riêng của cả nước chứ không chỉ sầu riêng Bình Phước”, ông Hòa nói.
Vụ mùa năm 2023, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã được cấp 38 mã số vùng trồng, tổng số hơn 1.710ha. Bình Phước hiện đang dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Bình Phước hiện có 3 doanh nghiệp được cấp mã đóng gói.
Tuy nhiên, trong vụ mùa vừa qua, việc liên kết giữa các cơ sở đóng gói với doanh nghiệp, HTX còn khá mờ nhạt, có nơi không tìm được tiếng nói chung dẫn đến tranh mua, tranh bán.
Bà Trương Thị Tường Vi, đại diện Công ty TNHH XNK Chánh Thu (Bình Phước) cho biết, thời gian qua, thị trường rất sôi động, nhiều thương lái Trung Quốc cũng qua Việt Nam mua hàng. Giá sầu riêng tăng cao là tin vui cho nông dân. Nhiều nông dân thấy chỗ nào có giá cao hơn thì họ bán.
Việc chạy theo lợi ích trước mắt cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều thời điểm giá thị trường cao hơn ngưỡng trung bình so với mọi năm. Nhiều người muốn hủy hợp đồng đã ký trước đó và chấp nhận đền luôn hợp đồng đã ký.
Theo Bộ NNPTNT, sau khi được Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chính ngạch, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt trên 1,5 tỷ USD.
Hiện nay hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết… đang diễn ra tại các vùng trồng sầu riêng. Điều này dẫn đến vi phạm các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu. Nếu việc này kéo dài, nguy cơ cao sẽ làm suy giảm uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ông Trương Văn Đảo cho rằng, làm ăn trong ngành sầu riêng không phải một ngày một bữa mà là dài lâu. HTX khuyên bà con cố gắng trồng sầu riêng sạch và đặc biệt là giữ chữ tín trong mua bán.
“Các cá nhân trong chuỗi ngành hàng phải loại bỏ tư duy mùa vụ, thương vụ; cùng đoàn kết thì sầu riêng Bình Phước và Việt Nam nói chung mới có thể cạnh tranh được với các nước khác”, ông Đảo nói.
Riêng thị trường Trung Quốc, sầu riêng Bình Phước và Việt Nam nói chung còn phải cạnh tranh với nhiều đối thủ cạnh tranh khác Thái Lan, Malaysia… Mỗi doanh nghiệp, người dân, HTX cần phải xây dựng thương hiệu cho ngành hàng bằng con đường uy tín, chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường, cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản Việt Nam, Sở NNPTNT Bình Phước khuyến cáo.