Thị trường chứng khoán cuối phiên 8/4/2024: Sắc đỏ bao trùm
Đóng cửa, VN-Index giảm 4,76 điểm (0,38%) về 1.250,35 điểm; HNX-Index giảm 1,6 điểm (0,67%) còn 238,08 điểm; UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (0,13%) về 90,53 điểm.
Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên bán với 532 mã giảm và 253 mã tăng. Sắc đỏ chiếm phần lớn trong rổ VN30-Index với 17 mã giảm, 9 mã tăng và 4 mã tham chiếu.
Thanh khoản tiếp tục suy yếu với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,03 tỷ đơn vị, tương đương gần 23.400 tỷ đồng.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục bán ròng gần 253 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng gần 74 tỷ đồng.
Tại nhóm vốn hóa lớn, VRE giảm sâu nhất rổ với tỷ lệ là 4,5%, STB và MWG cùng mất 2% thị giá. Ngoài ra, SAB, GAS, VNM giảm trên 1%.
Chiều ngược lại, nỗ lực nâng đỡ được ghi nhận ở HDB tăng 2,4%, cùng với BID tăng 1,2% lên 50.800 đồng/cp. Với mức vốn hóa lớn, cổ phiếu của BIDV trở thành công thần lớn nhất của thị trường phiên hôm nay với mức đóng góp hơn 0,8 điểm.
Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản tiếp tục là tác nhân chính gây sức ép lên chỉ số. Sắc đỏ bao phủ hầu hết các mã trong ngành, số ít cổ phiếu đóng cửa trên ngưỡng tham chiếu, có thể kể đến như HPX (+1,7%), GVR (+0,6%), DXS (+0,4%), DIG (+0,3%), VHM (+0,1%), …
Cổ phiếu nhóm công ty chứng khoán cũng diễn biến tiêu cực hơn trong phiên chiếu. Nhiều mã giảm hơn 2% như BVS, BSI, CSI, APS, BMS, HBS, AAS, FTS. Hai ông lớn trong ngành là VND và SSI cũng giảm lần lượt 1,8% và 0,3% khi đóng cửa.
Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 9/4/2024 của các công ty chứng khoán
CTCK Vietcombank (VCBS)
Tiêu cực – thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi
Ở khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo MACD và RSI tiếp tục hướng xuống vùng thấp, dải Bollinger band bó hẹp cho thấy thị trường vẫn đang chịu áp lực điều chỉnh. Dòng tiền vào bắt đáy vẫn còn yếu và cho dấu hiệu thận trọng khi trạng thái thị trường chưa thật sự thuyết phục với thanh khoản thấp.
Ở khung đồ thị giờ, dải Bollinger band mở rộng xuống dưới, các chỉ báo RSI, MACD, CMF đều ở mức thấp và chưa cho dấu hiệu hồi phục trở lại. Bên cạnh đó, VN-Index đã giao dịch dưới mây ichimoku và xác suất cao sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong ngắn hạn với 2 mốc hỗ trợ 1.250 điểm và 1.230 điểm.
Nhà đầu tư ưu tiên việc quản lý rủi ro tại thời điểm hiện tại, có thể tận dụng những nhịp phục hồi để cơ cấu lại danh mục theo hướng bán giảm các mã không thể duy trì được xu hướng đi lên trong giai đoạn này và hạn chế giải ngân bắt đáy sớm. Ngược lại, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc giải ngân với các cổ phiếu mới xuất hiện tín hiệu bước vào xu hướng tăng giá từ vùng nền tích lũy dài hạn, có thể chú ý tới các nhóm dầu khí, đầu tư công và bất động sản.
Công ty cổ phần chứng khoán BIDV (BSC)
VN-Index giao dịch trong vùng 1.250 – 1.260 điểm cả ngày 8/4 trước khi đóng cửa tại mốc 1.250,35 điểm, giảm gần 5 điểm so với phiên trước đó. Đợt điều chỉnh hiện tại có thanh khoản khá khiêm tốn, nhà đầu tư có thể tận dụng đợt điều chỉnh này để cơ cấu lại danh mục. Ngưỡng hỗ trợ hiện tại của VN-Index là vùng 1.240 – 1.250 điểm.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự kiến trạng thái thăm dò sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo nhờ động thái hỗ trợ từ vùng 1.245 – 1.250 điểm. Tuy nhiên, cần lưu ý rủi ro thị trường đang có chiều hướng gia tăng.
Do vậy, nhà đầu tư nên thận trọng và cần đánh giá lại trạng thái thị trường. Đồng thời cần quản trị danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro, nên cân nhắc những đợt hồi phục để chốt lời hoặc giảm tỷ trọng tại các cổ phiếu đang gặp khó khăn tại vùng cản để phòng ngừa rủi ro.
Công ty Cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset (MAS)
Phiên giao dịch giảm điểm khiến điểm số kỹ thuật ngắn hạn theo thang điểm của MAS giảm từ mức -3 (trung tính) xuống -5 (tiêu cực). Hệ số P/E của VN-Index hiện đạt 16.6x. Vùng hỗ trợ của chỉ số tại 1.230 điểm và 1.250 điểm.
CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Thanh khoản phiên hôm nay sụt giảm so với các phiên trước và sụt giảm mạnh so với mức trung bình 20 phiên (-18,8%), cho thấy tâm lý của giới đầu tư vẫn rất thận trọng dù thị trường chung đã chiết khấu một phần so với mức đỉnh đã thiết lập trong quý I/2024.
Xét về kỹ thuật, xu hướng vẫn khá ảm đảm và chưa xuất hiện một tín hiệu đảo chiều tích cực đáng chú ý nào, nên khả năng cao nhịp điều chỉnh vẫn tiếp diễn trong các phiên tới.
Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm đứng ngoài, hạn chế việc bắt đáy, thậm chí căn bán, hạ tỷ trọng khi thị trường chung hồi phục. Vị thế mua được chú ý khi VN-Index test ngưỡng hỗ trợ 1.180-1.200 điểm
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Các cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò nâng đỡ cho VN-Index, giúp thị trường tránh được một phiên giảm điểm sâu. Mặc dù vậy, thị trường phần nào vẫn đang nghiêng về trạng thái rủi ro hơn và hiệu ứng bán vẫn đang áp đảo trên hầu hết các nhóm cổ phiếu.
Nhiều khả năng chỉ số tiếp tục chịu quán tính giảm điểm trong những phiên tới, trước khi có thể cho phản ứng hồi phục rõ nét hơn quanh vùng hỗ trợ gần tại 1.250 (+/-5) điểm và xa hơn tại 1.220 (+/-10) điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục, ưu tiên quản trị rủi ro danh mục và chỉ trải lệnh mở mua với tỷ trọng nhỏ quanh các ngưỡng hỗ trợ xa.
Công ty cổ phần chứng khoán Tiên Phong (TPS)
VN-Index tiếp tục biến động tại vùng hỗ trợ 1.230 – 1.250 điểm với áp lực giảm chủ yếu ở các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Thị trường ghi nhận nến đỏ giảm điểm với thanh khoản thấp hơn hẳn so với các phiên giảm điểm trước. Điều này cho thấy lực cung đã gần cạn khi VN-Index tiến về gần vùng hỗ trợ 1.230 – 1.250 điểm.
Trên khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI tiếp tục suy yếu, lực bán đã hạ nhiệt và có sự xuất hiện của lực cầu tham gia vào các nhóm vốn hóa lớn. Trong các phiên tiếp theo, biến động rung lắc tại vùng tích lũy có thể diễn ra để kiểm định lại cung cầu. TPS kỳ vọng các phản ứng giá tích cực tiến diễn khi VN-Index biến động tại vùng 1.230 – 1.250 điểm, điều này giúp chỉ số có thể kết thúc nhịp điều chỉnh.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)
VN-Index có thể sẽ tiếp tục đà giảm về vùng hỗ trợ gần nhất 1.230 điểm. Tuy nhiên, chỉ số vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên có thể sẽ chưa xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.230 điểm trong những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.
CTCK Asean
Áp lực bán chủ động từ cuối tuần trước khiến vùng 1.260 điểm trở thành ngưỡng kháng cự cần lưu ý, và việc nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp trong giai đoạn tới sẽ giúp giảm thiểu những biến động ngắn hạn trên thị trường.
Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp và chỉ mở mua khi thị trường kiểm định ngưỡng 1.200 điểm.
CTCK Tân Việt (TVSI)
Xu hướng tăng giá ngắn hạn tạm thời đã bị phá vỡ. Nhà đầu tư nên tránh mở mua mới giai đoạn hiện tại khi nhịp điều chỉnh vẫn chưa kết thúc. Nhà đầu tư nên quan sát nhóm ngân hàng và chứng khoán đã chỉnh trước thị trường.
Tổng kết
Như vậy, thị trường vẫn tiếp tục trạng thái dò đáy và tín hiệu đảo chiều chưa xuất hiện. Tuy nhiên, dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu trở lại, có thể là dấu hiệu tích cực cho thị trường. Dù kỳ vọng vào sự hồi phục ngắn hạn là có, nhưng vẫn cần theo dõi cẩn thận để đánh giá xu hướng tiếp theo. Theo đó, các nhà đầu tư cần ưu tiên quản trị danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro. Có thể tận dụng những nhịp hồi phục để chốt lời hoặc giảm tỷ trọng cổ phiếu.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.