Những lợi thế sản xuất nông sản
Diện tích đất nông nghiệp lớn là một trong những lợi thế để Đắk Nông tập trung sản xuất các sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế. Đắk Nông có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 650.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 380.945 ha, chiếm hơn 58,5% tổng diện tích đất tự nhiên. Các loại đất của Đắk Nông khá phong phú và đa dạng, nhưng chủ yếu đất đỏ bazan, màu mỡ chiếm trên 80% diện tích.
Cùng với đó, trên 70% dân số làm nông nghiệp, Đắk Nông được xem là một trong những tỉnh, thành có thế mạnh phát triển các sản phẩm từ lĩnh vực này. Chưa kể đến, Đắk Nông đang sở hữu những lợi thế mà ít nơi có được, đó là nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông, hồ, đập phân bố dày đặc trên địa bàn tỉnh cùng với khí hậu ôn hòa tạo thuận lợi để trở thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, ứng dụng khoa học – công nghệ chất lượng cao, bền vững…
Với những tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, cùng với công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo; du lịch thì nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị là một trong 3 trụ cột kinh tế chính. Theo đó, Đắk Nông đã ban hành các nghị quyết, chương trình, tập trung nguồn lực cũng như kêu gọi đầu tư phát triển vào các lĩnh vực kinh tế này. Hiện Đắk Nông đã hình thành một số vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…
Toàn tỉnh Đắk Nông đã công nhận được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 60 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Tỉnh có 65 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, với khoảng 9.660 hộ dân tham gia.
Hiện Đắk Nông đang chú trọng phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Toàn tỉnh Đắk Nông có 65 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, với khoảng 9.660 hộ dân tham gia. Cây trồng liên kết sản xuất tập trung nhiều như cà phê, hồ tiêu, mắc ca, xoài, bơ, lúa, đậu nành…
Sản phẩm đa dạng, chất lượng
Lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước đã giúp Đắk Nông đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Theo Sở Công thương Đắk Nông, sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông hiện rất đa dạng và đang được chia thành 3 nhóm chính, với 23 sản phẩm khác nhau, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh; nhóm sản phẩm tiềm năng và nhóm sản phẩm chủ lực của các địa phương.
Trong đó, nhóm chủ lực của tỉnh đang có 4 sản phẩm chính: Cà phê, hồ tiêu, cao su, điều. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của nhóm là xuất khẩu. Thị trường này tương đối ổn định, có giá trị xuất khẩu của năm sau cao hơn năm trước và ít chịu tác động của dịch bệnh cũng như giá cả chung của thế giới.
Theo Sở Công thương Đắk Nông, trong 7 tháng năm 2023, nhiều mặt hàng có sự bứt phá trong xuất khẩu. Trong đó, hạt điều nhân có giá trị xuất khẩu lớn nhất, với 152,2 triệu USD, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Hạt điều nhân của Đắk Nông đang có mặt ở nhiều thị trường khác nhau trên thế giới như: châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông… Cà phê cũng là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Đắk Nông tăng cao về giá trị, đạt 116,8 triệu USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh hiện được mở rộng đến hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu ổn định thuộc các nước thành viên trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như: Singapore, Nhật Bản, Malaysia…
Để đạt được thành tích này, nhiều nông dân Đắk Nông đã mạnh dạn liên kết, thay đổi phương pháp canh tác theo các tiêu chuẩn để tạo ra nông sản chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu. Nhờ đổi mới tư duy, tổ chức liên kết sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng cao nên sản phẩm nông sản Đắk Nông đã rộng đường tiêu thụ.
Còn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, xác định đa dạng hoá sản phẩm là giải pháp quan trọng giúp chiếm lĩnh các thị trường và gia tăng kim ngạch xuất khẩu, thời gian qua, các doanh nghiệp đã tập trung mọi nguồn lực cho việc hoàn thiện quy trình chế biến các sản phẩm nông sản. Một số doanh nghiệp cài đặt hệ thống camera ở từng nông trại để có thể giám sát hoạt động sản xuất của công nhân có đạt tiêu chuẩn chất lượng hay không. Từ hình ảnh cho tới các giai đoạn phát triển của sản phẩm từ nông sản đều được doanh nghiệp quản lý một cách tự động và chặt chẽ…
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề thuận lợi đối với tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, đặt trong tương quan phát triển của cả nước, quá trình phát triển của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững của tỉnh Đắk Nông còn bộc lộ một số hạn chế. Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tính bền vững, năng suất, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực chưa cao.
Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu tuy có tăng về số lượng và giá trị, nhưng thu nhập của nông dân ở các vùng sản xuất hàng hóa không tăng đáng kể. Chất lượng nông sản, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao, sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ, một số nông sản thực phẩm chưa bảo đảm an toàn…
Việc ứng dụng công nghệ cao đối với các cây trồng chủ lực chưa thật sự mạnh mẽ. Công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới chưa đáp ứng đủ nhu cầu của hộ nông dân; quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật mới dừng lại ở mô hình trình diễn, tỷ lệ áp dụng chưa cao. Đổi mới, ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, chế biến phát triển chậm. Đáng chú ý, cà phê xuất khẩu chủ yếu chế biến theo phương pháp khô, nông dân tự phơi/sấy và trang bị máy xay xát. Công nghệ chế biến cà phê nhân, cà phê bột lạc hậu. Trong khi đó, sản phẩm hồ tiêu thu hoạch chủ yếu được thực hiện tại nông hộ thông qua phơi nắng tự nhiên, nên chất lượng tiêu vẫn còn hạn chế.
Việc thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô lớn tổ chức liên kết sản xuất và thu mua, bao tiêu sản phẩm, nên chưa khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất.
Các hoạt động thương mại đối với hàng nông sản xuất khẩu chủ lực còn nhiều hạn chế. Đắk Nông có cà phê Robusta với mùi vị và hương thơm đặc trưng, nhưng thương hiệu này lại chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều, dẫn tới khó khăn trong tìm kiếm cơ hội hợp tác, xuất khẩu trực tiếp cho sản phẩm cà phê đặc sản.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhận thức của một số địa phương, cơ quan về ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp chưa thật đầy đủ, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ trên địa bàn tỉnh. Xuất phát điểm nền sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật canh tác của tỉnh còn nhiều hạn chế, người dân quen với phương thức canh tác cũ, ngại thay đổi phương thức sản xuất mới, đòi hỏi đầu tư tài chính khá lớn. Hiện nay, tỉnh Đắk Nông chưa có trường đại học, viện nghiên cứu nên hoạt động nghiên cứu sản xuất nông nghiệp chưa được thực hiện bài bản. Hệ thống doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ mới chưa nhiều, chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún; đầu tư nguồn lực cho khoa học – công nghệ còn ít…
Để nông sản Đắk Nông khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc hơn, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để người dân nắm bắt kịp thời và áp dụng vào hoạt động sản xuất. Việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân cần được quan tâm hơn. Bởi, ứng dụng khoa học – công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố quan trọng, quyết định nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm,… do đó, cần khuyến khích việc xã hội hóa hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ mới, mang lại hiệu quả thiết thực.
Đắk Nông cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất, chế biến, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đến tiêu thụ; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, đặc biệt là các liên minh, liên kết trong sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, hỗ trợ cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất; thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân; xây dựng thương hiệu nông sản mới, quảng bá các thương hiệu hiện có ra thị trường nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Cùng với mở rộng liên kết, hợp tác quốc tế để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn hỗ trợ phát triển chính thức vào lĩnh vực nông nghiệp, Đắk Nông cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm không ngừng tìm kiếm thị trường, mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, Đắk Nông cần chú ý thông qua hoạt động xúc tiến, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đủ năng lực tài chính và quản trị làm nòng cốt cho việc hình thành liên kết phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Tỉnh cần nâng cao khả năng dự báo thị trường trên cơ sở đó hình thành, phát triển và mở rộng quy mô các trang trại, nhà máy chế biến tạo động lực thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ theo hướng dài hạn…