Tỉnh nợ người dân hơn 400 lô đất tái định cư
Theo báo cáo của Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) – đơn vị đang khai thác, chế biến bô xít tại tỉnh Đắk Nông, đầu năm 2024, Nhà máy Tuyển quặng của công ty đã phải dừng sản xuất 36 giờ trong các ngày 4/1 và 12/1.
Từ đó, gây ảnh hưởng lớn tới quá trình vận hành ổn định của Nhà máy Alumin Nhân Cơ cũng như kế hoạch sản xuất alumin của nhà máy. Trước đó, năm 2023, nhà máy tuyển quặng của công ty cũng phải dừng hoạt động hơn 311 giờ, tương đương 13 ngày vận hành liên tục. Điều này ảnh hướng rất lớn đến quá trình vận hành của toàn bộ dây chuyền nhà máy.
Tại báo cáo hồi cuối tháng 2/2024 của UBND tỉnh Đắk Nông và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trình lên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có nêu quá trình triển khai thực hiện các dự án gặp nhiều vướng mắc về GPMB. Nguyên nhân chính là chưa bố trí được tái định cư (TĐC) cho các hộ dân, dẫn đến không có đủ đất để khai thác. Từ đó thiếu hụt nguồn tinh quặng, nguy cơ nhà máy sản xuất alumin Đắk Nông phải dừng hoạt động ngay từ đầu quý II năm 2024.
Mới đây, tại cuộc làm việc giữa tỉnh Đắk Nông với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, ông Hồ Văn Mười – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho hay, địa phương đang nợ người dân hơn 400 lô đất TĐC.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã cho triển khai xây dựng 6 khu TĐC. Tuy nhiên, 5/6 khu TĐC chưa thể triển khai vì vướng quy hoạch bô xít.
Ông Mười cho biết thêm, Công ty Nhôm Đắk Nông đã có hơn 300 ha đất hoàn thổ sau khi khai thác bô xít. Trên phần đất này, doanh nghiệp trồng cây keo nhưng không hiệu quả. Do đó, UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Trung ương đồng ý cho công ty này giao lại phần đất đã hoàn thổ cho tỉnh để xây dựng khu TĐC cho dân. Tuy nhiên đến nay, kiến nghị của tỉnh vẫn chưa được giải quyết.
Không chỉ vướng mắc về đất TĐC, công tác GPMB để triển khai dự án khai thác, chế biến bô xít đang gặp khó do nhiều hộ dân không đồng thuận với mức bồi thường, hỗ trợ đã được phê duyệt.
Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Đắk Rlấp (Đắk Nông), đơn vị đảm nhận công tác GPMB cho biết, mức giá bồi thường đang áp dụng theo bảng giá của năm năm 2019. Nhiều người cho rằng, mức giá này không còn phù hợp bởi giá cây trồng đã tăng rất nhiều so với 5 năm trước.
Cụ thể, theo bảng giá này, 1 cây cà phê loại A được đền bù 319.600 đồng; 1 cây sầu riêng cao nhất được bồi thường 4,3 triệu đồng. Trong khi hiện nay, giá cà phê đã tăng lên vượt mức 100 nghìn đồng/kg; hồ tiêu cũng ngót nghét chạm mức 100 nghìn đồng/kg; cây sầu riêng cũng đang ở mức cao…
Bà con kiến nghị áp giá bồi thường hợp lý
Chị Nguyễn Thị An (thôn Quảng Sơn, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông), nằm trong diện giải toả phục vụ dự án khai thác, chế biến bô xít cho biết, chưa đồng ý di dời vì bồi thường quá thấp. Nhà chị An có hơn 2,5 héc-ta với đủ loại cây trái sai quả. Chị An cho hay, rất ủng hộ chủ trương của Nhà nước, nhưng mức đền bù không tương xứng.
“Đất nhà tôi hàng trăm mét mặt tiền. Trong vườn có cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, điều, bơ…Tất cả cây trồng đang cho thu hoạch. Chưa kể tôi còn chăn nuôi, trồng rau bán. Tổng thu nhập trên 600 triệu đồng/năm. Bây giờ vào diện di dời lại bị tính giá quá thấp. Cây tiêu loại A mới được bồi thường 618.000 đồng/cây; cây cà phê loại A chỉ được 319.600 đồng/cây…”, chị An chia sẻ và mong muốn, Hội đồng Bồi thường tính toán lại, hỗ trợ cho phù hợp. Nếu không, chị xin ở lại vì với mức giá đền bù hiện nay, chị không thể mua lại khu vườn như cũ.
Cách nhà chị An không xa, gia đình chị Lê Thị Lan cũng trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu khi hơn 1,3 héc-ta đất đang trồng đủ loại cây công nghiệp có giá trị (hồ tiêu, cà phê, sầu riêng…) vào diện giải tỏa, phục vụ dự án khai thác quặng bô xít.
Chị Lan cho hay, mỗi năm, một cây cà phê đã cho thu hoạch từ 4 – 5kg cà phê nhân, chưa kể nếu chăm tốt còn được 6kg/cây. Với mức giá trên 100 nghìn đồng/kg như hiện nay, chỉ cần 1 vụ thu hoạch đã dư số tiền Nhà nước đền bù. Ngoài ra, chị Lan cũng kiến nghị giá đất bồi thường cũng quá thấp.
“Cách đây 3 tháng, vợ chồng tôi vào tận xã Đắk R’tih, huyện Tuy Đức, tìm mua đất. Khu vực này xa xôi, đất bạc màu, đường đất, không có điện nhưng rao giá 3,3 tỷ đồng cho 2,3 héc-ta. Đó là giá của vài tháng trước, còn bây giờ chắc đã tăng nhiều rồi”, chị Lan thông tin và mong muốn nhà nước áp giá đền bù cây trồng, vật nuôi… phù hợp để người dân sớm ổn định cuộc sống. Chị ví giải toả đền bù như trúng số độc đắc, nếu không biết tính toán, không mua lại đất canh tác để làm “cần câu cơm” thì không sớm thì muộn, tiền giải toả sẽ “bay’ đi mất.
Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lưu Văn Trung – Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông cho biết, khai thác bô xít rất đặc thù, chỉ cần múc ở mặt trên sau đó hoàn trả lại đất. Vậy tại sao không dùng quỹ đất hoàn thổ ấy trả cho địa phương để bố trí đất TĐC mà phải làm ở nơi khác để lại vướng quy hoạch bô xít.
Theo ông Trung, cần có chính sách GPMB đặc thù cho dự án bô xít. Chỉ cần đền bù cây trồng, vật kiến trúc trên đất, đền bù thiệt hại do sử dụng đất và thời gian tái tạo vườn cây rồi trả đất về cho dân. Như vậy mới tháo gỡ được “nút thắt” GPMB đã vướng bao năm qua.