Trước đây, gia đình chị H’Duyên Byă là hộ nghèo ở Buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Cư Jút). Gia đình chị được ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay 80 triệu đồng theo 2 kênh cho vay: hộ nghèo và nước sạch vệ sinh môi trường.
Từ số tiền này, gia đình chị đã đầu tư chăm sóc cà phê, chăn nuôi bò. Nhờ phát huy hiệu quả vốn vay, nên đến nay, gia đình chị đã thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định.
Chị H’Duyên cho biết: “Từ số vốn vay, tôi mua một con bò, đến nay bò đã sinh sản. Tôi còn sử dụng vốn để chăm sóc vườn cà phê, từng bước cải thiện cuộc sống gia đình. Tôi nhận thấy nguồn vốn này rất thích hợp với điều kiện của hộ nghèo. Vì bên cạnh lãi suất thấp, thời gian trả nợ kéo dài đến 10 năm”.
Còn gia đình chị H’er Niê, buôn U2, thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) cũng thuộc hộ nghèo. Cuộc sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn, thu nhập dựa vào 7 sào cà phê. Do thiếu vốn chăm sóc, nên vườn cà phê luôn cằn cỏi, năng suất kém.
Gia đình chị H’er Nie được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng để đầu tư mua phân bón, chăm sóc cho vườn cà phê. Nhờ đó, vườn cà phê của chị H’er Niê phát triển tốt, cho năng suất cao.
Chị H’er Niê cho hay: “Sau khi được tạo điều kiện vay vốn, tôi đã tập trung chăm sóc cho vườn cà phê, mua bắp giống về trồng xen để cải thiện thu nhập”.
Theo NHCSXH huyện Cư Jút, tính đến đầu 10/2023, tổng dư nợ của đơn vị trên địa bàn đạt 530 tỷ đồng, với trên 10.400 khách hàng vay vốn. Trong đó, chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn theo các kênh vay ủy thác từ các tổ chức chính trị- xã hội.
Bên cạnh việc cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế, hàng năm, HNCSXH huyện Cư Jút còn giải ngân nguồn vốn tạo việc làm cho các nhóm đối tượng thuộc khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, nhóm yếu thế trong xã hội.
Để vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động điểm giao dịch xã, các tổ tiết kiệm và vay vốn.
Đơn vị còn tích cực triển khai khai các buổi tư vấn, hướng dẫn người vay vốn mở rộng sản xuất; cách sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, đơn vị thường xuyên rà soát, kiểm tra trước, trong và sau cho vay vốn.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Cư Jút cho biết, nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn vươn lên, trở thành hộ gia đình có cuộc sống ổn định.
Cũng theo bà Giao, nguồn vốn NHCSXH đã đóng vai trò “bà đỡ” để giúp cải thiện điều kiện sống và việc làm cho người nghèo. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Để nâng cao hiệu quả đồng vốn vay, giúp bà con thoát nghèo bền vững, đơn vị tiếp tục tạo điều kiện cho bà con tiếp cận đồng vốn một cách thuận lợi. “Chúng tôi luôn bảo đảm toàn bộ người nghèo đều tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi”, bà Giao khẳng định.