Ông Mỹ sinh ra và lớn lên trên quê hương Phú Thọ. Năm 1998, ông hoàn thành nghĩa vụ trong quân ngũ và xách ba lô vào Tây Nguyên lập nghiệp. “Lúc bấy giờ, tôi chỉ mới hơn 20 tuổi. Hành trang tôi mang theo là quân tư trang được cấp phát khi còn trong quân ngũ để đi đến vùng đất mới làm kinh tế, với quyết tâm phải thành công”, ông Mỹ nhớ lại.
Đến Đắk Nông, chàng trai quê hương Phú Thọ đi làm thuê đủ nghề. Trước khi lập gia đình, chàng trai ấy đã tích góp mua 2ha đất và chọn khởi nghiệp từ cây cà phê.
“Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng nên ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn. Ở quê Phú Thọ, chúng tôi trồng lúa, trồng chè. Vào Tây Nguyên, ban đầu tôi không biết gì về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê. Nhưng tôi thấy đất đai ở đây màu mỡ, khí hậu mát mẻ và nhiều nông dân trồng thành công cà phê, nên cố gắng học hỏi. Tôi chọn trồng các giống cà phê có năng suất, chất lượng cao và thành công. Sau đó, tôi phát triển thêm và học hỏi trồng hồ tiêu, sầu riêng, bơ, các loại cây khác”, ông Mỹ tâm sự.
Với bản lĩnh của người cựu chiến binh, ông Mỹ đã vượt qua nhiều khó khăn để thu “quả ngọt”. Hơn 2ha đất, ông trồng 1.600 cây cà phê, 600 cây hồ tiêu và hơn 100 cây sầu riêng, bơ, điều…
Mỗi năm, gia đình ông thu về khoảng 6 tấn cà phê, hồ tiêu; trên 3 tấn sầu riêng và các loại trái cây khác, với tổng thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
“Tôi học hỏi kỹ thuật và chủ yếu dùng phân chuồng, tận dụng vỏ cà phê, các phế phẩm nông nghiệp… ủ làm phân chăm sóc các loại cây trồng, nên đất đai tơi xốp, nông sản năng suất cao. Hồ tiêu thì tôi chọn trồng trụ bằng cây sống. Toàn bộ vườn rẫy, tôi sử dụng máy phát cỏ để bảo vệ đất, thân thiện với môi trường và giảm chi phí đầu tư”, ông Mỹ chia sẻ kinh nghiệm.
Sau khi tích lũy được nguồn vốn kha khá, ông Mỹ mua sắm các loại máy móc hiện đại vào sản xuất để giảm công sức lao động. Hiện nay, ông đầu tư gần 1 tỷ đồng mua máy múc, máy cày, hệ thống béc tưới…
“Tôi nghĩ mình phải luôn luôn cố gắng học hỏi nhiều kinh nghiệm trong làm nông nghiệp để đạt hiệu quả cao. Tôi luôn tự hào mình là người con của quê hương Phú Thọ. Vì thế, tôi luôn phấn đấu, rèn luyện bản thân để xứng đáng với con cháu đất tổ Vua Hùng”, ông Mỹ tâm sự.
Ông Bùi Xuân Thanh, Chi Hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Đồng Tiến cho biết: Trong cuộc sống hàng ngày, ông Trần Phú Mỹ rất hòa đồng với bà con thôn xóm, hội viên. Cựu chiến binh Trần Phú Mỹ là hội viên làm kinh tế giỏi. Ông rất chịu khó học hỏi các kỹ thuật để chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nên hiệu quả kinh tế đạt cao.
“Ông Mỹ rất chịu khó học hỏi các mô hình khác và áp dụng vào thực tế hiệu quả. Chúng tôi thường giới thiệu những cách làm kinh tế hay của gia đình ông Mỹ để các hội viên trong chi hội học hỏi. Ông Mỹ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các nông dân. Ông là nông dân tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ các hộ khó khăn để vươn lên trong cuộc sống”, ông Thanh vui vẻ cho biết.