Đam mê tiếng chiêng
Là người con M’nông, ngay từ nhỏ, nghệ nhân Y Lanh đã được làm quen với tiếng chiêng của dân tộc mình. Cứ như vậy, nghệ nhân lớn lên với tiếng chiêng và đam mê lúc nào không hay. Ban đầu, nghệ nhân Y Lanh thấy bài chiêng nào đánh lên giai điệu cũng giống nhau. Thế nhưng, luyện tập, cảm thụ nhiều, anh mới nhận ra, mỗi bài có một ý nghĩa và cách đánh khác nhau.
Nghệ nhân Y Lanh cho biết: “Tiếng chiêng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con dân tộc M’nông. Mỗi lúc mệt mỏi, trong lòng có tâm sự, tôi lấy chiêng ra đánh vài tiếng, hòa vào âm thanh của nó là mệt mỏi, buồn vơi đi rất nhiều”.
Với mong muốn lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc M’nông, nghệ nhân Y Lanh đã sưu tầm, bảo quản, giữ gìn bộ chiêng của mình như đứa con tinh thần to lớn. nghệ nhân mong muốn, khách đến nhà thấy bộ chiêng, tìm hiểu về chiêng cũng chính là cách để chiêng trường tồn.
Nghệ nhân Y Lanh luôn nhắc nhở các bạn trẻ về tầm quan trọng của chiêng và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc. Bởi tiếng chiêng chính là một trong những cách gắn kết cộng đồng, để mọi người trong bon làng xích lại gần nhau hơn. “Trước đây, hầu như các gia đình khá giả đều có một bộ chiêng. Và người già, người trẻ trong bon đều biết đánh chiêng. Nhưng bây giờ, nhiều gia đình không giữ được chiêng trong nhà, trẻ em, thanh niên cũng ít người biết đánh chiêng. Do đó, lúc rảnh rỗi, tôi thường dạy đánh chiêng cho giới trẻ trong bon để tiếng chiêng mãi ngân vang”, nghệ nhân Y Lanh chia sẻ
Lưu giữ nét độc đáo trong văn hóa M’nông
Không chỉ đam mê, gìn giữ tiếng chiêng của dân tộc, nghệ nhân Y Lanh còn sưu tầm những vật dụng hàng ngày trong đời sống, lao động của đồng bào dân tộc M’nông. Hiện nay, nghệ nhân Y Lanh đã sở hữu nhiều hiện vật như rổ, rá, nia, nơm, gùi, xà gạc, chày giã gạo, nỏ, cung, quả bầu…
Nghệ nhân Y Lanh cho biết: “Ngày xưa, mỗi gia đình khi đi nương rẫy thường mang theo những vật dụng quen thuộc như quả bầu để đựng cơm, canh, thức ăn; xà gạc, rìu để phát nương rẫy; nơm để bắt cá; gùi để đựng lúa, gạo về nhà… Mỗi buổi chiều tối, chúng tôi lại rủ nhau ra sông bắt cá. Tiếng cá quẫy, tiếng nước chảy nghe vui tai, cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, giúp bà con tạm quên đi những vất vả sau một ngày lao động”.
Theo nghệ nhân Y Lanh, may mắn được đi nhiều nơi và trực tiếp tham quan các phòng trưng bày hiện vật về dân tộc bản địa của nhiều địa phương trong cả nước. Từ đó, nghệ nhân bắt đầu ấp ủ sưu tầm các hiện vật liên quan đến đời sống, sinh hoạt, lao động của dân tộc M’nông để lưu giữ, bảo vệ. Nghệ nhân Y Lanh mong ước, thời gian tới, anh sẽ có một phòng riêng trưng bày các hiện vật, dụng cụ của đồng bào M’nông để giới thiệu về nét độc đáo trong văn hóa dân tộc M’nông mỗi khi nhà có khách đến chơi.
Tôi mong muốn, cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng các thế hệ trẻ sau này sẽ không bao giờ quên quá khứ ông cha đã trải qua, nhất là những khó khăn, thiếu thốn bởi không có quá khứ sẽ không có hiện tại và tương lai. Từ đó, thế hệ trẻ sẽ tiếp tục cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và trân quý thành quả cha ông để lại.
Nghệ nhân Y Lanh, bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp
Theo ông Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo, nghệ nhân Y Lanh là một trong những người luôn nặng lòng với văn hóa truyền thống dân tộc M’nông. Không chỉ góp phần lưu giữ nét đẹp, truyền thống văn hóa của dân tộc M’nông mà nghệ nhân Y Lanh còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong bon đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa mới. Việc tham gia dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ là minh chứng rõ nét nhất cho ý thức bảo tồn, phát huy, lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc của nghệ nhân Y Lanh.