Là một trong sáu nước có lượng thép nhập khẩu vào Mỹ nhiều nhất trong năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng, việc Mỹ áp thuế với nhôm, thép sẽ gây tác động tiêu cực đến xuất khẩu thép của Việt Nam. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sản phẩm thép Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu vì năng lực của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay.
Mỹ áp thuế 25% với thép, nhôm nhập khẩu
Sáng 11/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này. Thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3. Ông Trump cam kết nỗ lực này sẽ giúp thúc đẩy sản xuất và mang nhiều việc làm về Mỹ, đồng thời cảnh báo mức thuế có thể được nâng lên cao hơn.
Như vậy, thuế nhập khẩu nhôm sẽ tăng từ mức 10% áp dụng từ năm 2018 lên 25%. Các nước đang được miễn thuế nhôm, thép cũng sẽ không còn được quyền lợi này.
Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro, cho biết, các biện pháp này sẽ giúp các nhà sản xuất thép và nhôm của Mỹ cũng như củng cố an ninh kinh tế và quốc gia Mỹ.
“Thuế thép và nhôm phiên bản 2.0 sẽ chấm dứt tình trạng bán phá giá của nước ngoài, thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo vệ ngành thép và nhôm như ngành xương sống và trụ cột của nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ. Đây không chỉ là vấn đề thương mại. Đây là để đảm bảo nước Mỹ không bao giờ phải phụ thuộc vào các quốc gia nước ngoài trong các ngành công nghiệp quan trọng như thép và nhôm” – ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, động thái trên có thể có lợi cho ngành nhôm và thép của Mỹ, nhưng cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung do chi phí nhập khẩu tăng, đồng thời đe dọa gia tăng đối đầu thương mại giữa Mỹ và các nước khác.
Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump cũng đã áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu nhưng sau đó miễn trừ cho một số đối tác thương mại, bao gồm Canada và Mexico. Trong khi đó, Trung Quốc đã không thực hiện đầy đủ thỏa thuận giai đoạn 1 đạt được với Mỹ.
Hồi năm 2018, EU đã đáp trả thuế của Mỹ bằng loạt thuế lên lượng hàng hơn 3 tỷ USD của Mỹ và khối này có thể sử dụng lại các biện pháp đó một lần nữa. Trong khi đó, Trung Quốc kể từ lần trước đến nay đã giảm mạnh sự phụ thuộc vào các sản phẩm của Mỹ. “Sự trả đũa của họ cho thấy họ đã chuẩn bị như thế nào. Họ có rất nhiều món trong kho vũ khí của mình”, bà Wendy Cutler, phó chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á, nhận định.
Vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu
Trả lời trên baochinhphu.vn, ông Đỗ Ngọc Hưng – tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Mỹ cho biết, thống kê hải quan Mỹ cho biết năm 2024 Việt Nam xuất khẩu khoảng 983 triệu USD thép và sản phẩm thép, tăng gần 159% so với năm 2023; trong khi với mặt hàng nhôm có kim ngạch là 479 triệu USD, tăng 9,5%.
Một số doanh nghiệp sản xuất thép quy mô lớn của Việt Nam như Tập đoàn Hòa Phát hiện đã không còn xuất khẩu thép vào Mỹ và doanh nghiệp này đã mở rộng xuất khẩu ra hơn 10 thị trường khác, kể từ khi Mỹ áp dụng hàng loạt các biện pháp điều tra phòng vệ thương mại.
Hiện nay, mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo Mục 232 mà Mỹ áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước, một số sản phẩm được loại trừ trong danh mục của Mỹ. Bên cạnh đó, sản phẩm nhôm thép của Việt Nam là đối tượng thường xuyên trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Với sản phẩm thép, Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam còn với sản phẩm nhôm là 2 vụ việc.
Đối với Mỹ, biện pháp thuế chắc chắn sẽ khiến lạm phát tăng lên khi nhôm và thép là những mặt hàng cơ bản và nhu cầu sử dụng lớn tại Mỹ. Việc khó khăn trong xuất khẩu vào Mỹ cũng sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Thép, nhôm các nước khó xuất khẩu vào Mỹ sẽ tìm đường xuất khẩu sang các nước khác.
Thêm vào đó, việc áp thuế cao đối với các mặt hàng xuất khẩu sẽ khiến các công ty thép quay trở lại thị trường nội địa và khiến các nước tăng cường bảo hộ với mặt hàng thép, nhôm. Tương tự như năm 2018, khi Mỹ áp dụng Mục 232 với nhôm, thép thì EU, Thổ Nhĩ Kỳ… đều đã điều tra tự vệ với hầu hết thép nhập khẩu. Điều này sẽ khiến quốc gia xuất khẩu thép như Việt Nam gặp khó khăn tại các thị trường khác, ngoài Mỹ.
“Tuy nhiên, hiện Mỹ phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu thép (chiếm 12-15%) và nhôm (chiếm 40-45%). Nếu Mỹ áp dụng với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, ta vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu. Vì thực tế, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước. Khi các nước cùng bị áp thuế chung thì doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội cạnh tranh. Vì hiện sản phẩm nhôm, thép của Việt Nam được nhà nhập khẩu ưa chuộng vì chất lượng và giá thành sản phẩm. Dù vậy, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống”, ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc Mỹ áp thuế tăng thêm 25% cho tất cả sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào nước này sẽ tác động đến ngành thép thế giới và cả Việt Nam. Đây là mức thuế khá cao do Mỹ muốn bảo hộ ngành thép nội địa, buộc các nước xuất khẩu lớn phải ngồi lại đàm phán. Điều đó gây tác động đầu tiên là sẽ làm tăng giá bán của sản phẩm này tại thị trường Mỹ, từ đó làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng sở tại. Điều này quay lại bài toán sản phẩm nhập khẩu có cạnh tranh được với hàng của các công ty Mỹ hay không. Nếu vẫn cạnh tranh được thì thép từ các nước vẫn có thể bán được tại Mỹ.
Ở một góc độ khác, việc áp thuế gia tăng này không có sự phân biệt giữa các quốc gia xuất khẩu thép vào Mỹ, đồng nghĩa rằng sự cạnh tranh nói chung chưa trở nên gay gắt hơn hiện tại. Bản thân các doanh nghiệp VN chỉ còn phương án tiết giảm chi phí hơn để gia tăng sức cạnh tranh, nhất là về giá bán. Bởi tùy vào mỗi đơn vị mà giá bán sẽ được điều chỉnh khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau chứ không hẳn sẽ tăng đúng bằng thuế nhập khẩu vào Mỹ. Song song đó, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu, nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới để hạn chế rủi ro khi tập trung vào một thị trường.
“Cũng như những năm trước, khi các sản phẩm thép đối diện nhiều nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, việc đa dạng hóa thị trường luôn được nhắc đến. Điều này rất khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cần nỗ lực để thực hiện, tránh rủi ro khi quá phụ thuộc vào một thị trường truyền thống. Việc áp thuế mới của Mỹ nếu thực hiện mà không có sự phân biệt sản phẩm của nước nào cũng có thể là một cơ hội để các đơn vị sản xuất thép, nhôm tìm ra những hướng đi mới, nâng sức cạnh tranh”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay.
Doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng ra sao?
Đánh giá về tác động của chính sách áp thuế của Mỹ lên một số cổ phiếu thép, báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng mức độ ảnh hưởng trực tiếp từ hàng rào thuế quan của Mỹ lên Hòa Phát khá thấp.
Lý do là tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp này chỉ chiếm 30% tổng doanh thu, trong đó xuất sang Mỹ chiếm khoảng 5-10% doanh thu xuất khẩu. Vì vậy, doanh thu xuất khẩu thị trường Mỹ chiếm 1,5-3% tổng doanh thu của Hòa Phát.
Tuy nhiên, Hòa Phát có thể chịu tác động gián tiếp từ chính sách thuế quan của Mỹ ở mức trung bình. Lý do đến từ việc nếu Hoa Sen và Nam Kim – 2 doanh nghiệp tiêu thụ lượng lớn HRC (thép cuộn cán nóng) của Hòa Phát, đồng thời có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao – gặp khó khăn về thuế quan thì dẫn tới suy giảm nhu cầu mua HRC đầu vào.
Đối với sản phẩm tôn mạ, đơn vị này đánh giá Nam Kim chịu tác động lớn hơn Hòa Phát vì tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao hơn (chiếm 40-60% doanh thu và thị trường Mỹ đứng thứ 3 sau châu Á, châu Âu). Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 40-50% tổng doanh thu của Hoa Sen và thị trường Mỹ chiếm khoảng 15-20% doanh thu xuất khẩu.
Tại thị trường nội địa, Hoa Sen và Nam Kim vừa được hưởng lợi từ việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá lên tôn mạ Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng 2 doanh nghiệp này lại có thể gặp bất lợi nếu sắp tới, Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ.
Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng trong năm 2018, ông Trump cũng áp thuế 25% đối với các nguồn xuất khẩu thép. Việt Nam cũng đã chịu mức thuế này. Với mức thuế cao, các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với tỷ trọng khá nhỏ, chỉ khoảng 3%. Do đó, ảnh hưởng đối với Việt Nam không lớn.
Tuy nhiên, một số cổ phiếu có thể chịu ảnh hưởng như HPG (Hòa Phát), NKG (Nam Kim), HSG (Hoa Sen), GDA (Tôn Đông Á). Trong đó, những cổ phiếu chịu ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm tôn mạ bởi sản lượng xuất khẩu của nhóm này sang Mỹ rất lớn. Ví dụ, Tôn Đông Á xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 35%, Nam Kim chiếm khoảng 25%, Hoa Sen 15%. Riêng Hòa Phát chỉ dưới 5%.
Nhìn chung, ông Sơn cho rằng trong giai đoạn nửa đầu năm nay, những yếu tố liên quan đến thị trường xuất khẩu, đặc biệt mặt hàng Việt Nam có thể chịu thuế chung với toàn cầu, hoặc những mặt hàng Mexico, Canada và Trung Quốc bị đánh thuế, có thể sẽ gây ảnh hưởng về thông tin, tác động tới giá cổ phiếu.
Việc áp thuế cũng được nhận định sẽ khiến lạm phát của nước Mỹ tăng lên khi nhôm và thép là những mặt hàng cơ bản, nhu cầu sử dụng lớn tại nước này. Lợi thế của hàng Việt Nam là giá cạnh tranh, chất lượng tốt, sẽ bổ trợ cho nền kinh tế Mỹ, góp phần giúp giảm lạm phát, bổ trợ cơ cấu ngoại thương hai nước.
Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ các vụ việc phòng vệ thương mại, khi hiện đã có 34 vụ kiện phòng vệ thương mại với mặt hàng thép và hai vụ việc điều tra với nhôm. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công thương diễn ra vào tháng 1, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam là đối tác lớn thứ 8 của Mỹ, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng một công cụ cổ điển là thuế quan. Thực tế, ông Trump đã áp thuế cao với hàng hóa từ nhiều thị trường như Trung Quốc, EU…
Năm 2025, Bộ Công thương đã vạch ra hai kịch bản. Kịch bản khả quan là Mỹ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu. Kịch bản thứ hai, nếu tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ảnh hưởng ít nhiều. Đối với kịch bản này, Bộ Công thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nganh-nhom-thep-chiu-tac-dong-the-nao-truoc-ap-luc-tu-thue-quan-cua-my-242472.html