Hơn 3 năm qua, người dân tại 2 xã Tân Thành và Nâm Nung (Krông Nô) tham gia Dự án sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị.
Gia đình ông Đặng Văn Dũng, xã Tân Thành có 5 ha cà phê kinh doanh năm thứ 6. Gia đình ông đã tham gia dự án vài năm qua và đạt được kết quả tích cực. Năm 2023, ông thu trên 20 tấn cà phê nhân, cao hơn 10% so với trước.
Ông Dũng cho biết: “Tham gia dự án, tôi được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, tôi đã biết cách thức chăm sóc cà phê theo hướng an toàn, giúp sản phẩm đạt chất lượng cao hơn”.
Còn ông Y Thuân, khuyến nông viên bon Ja Rah, xã Nâm Nung cũng phấn khởi khi tham gia vào dự án. Theo ông Thuân, trước đây, khi canh tác theo lối truyền thống, bón phân hóa học và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, dẫn đến đất đai bạc màu, cây cà phê chóng già cỗi, năng suất giảm dần.
Ông Y Thuân cho hay: “Cây cà phê là nguồn thu nhập chính của người dân bon Ja Rah. Do đó, khi tham gia vào dự án, bà con được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng bệnh cho cây cà phê. Từ đó, năng suất, chất lượng cà phê được cải thiện, giúp nâng cao thu nhập”.
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông lâm nghiệp sản tỉnh Đắk Nông, sau gần 3 năm triển khai, giá trị kinh tế của các vườn cà phê trong vùng dự án tăng lên 11% so với trước đây. Sản phẩm cà phê của bà con được HTX Thanh Thái bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 25 – 30%.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Krông Nô cho biết, địa phương đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Nâm Nung.
Trong đó, HTX Thành Thái là đơn vị chủ công, tạo mối liên kết và đồng hành cùng người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, diện tích cà phê trong vùng này đã đạt 340 ha, với 150 thành viên tham gia. Bà con đều sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn RA, 4C, UTZ…
Còn tại các huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil… đang dần hình thành các vùng sản xuất cà phê theo hướng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, hướng đến ứng dụng công nghệ cao. Người trồng cà phê đã chú trọng ứng dụng cơ giới trong khâu như phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước, phát cỏ, sấy, xay xát, chà nhân…
Theo Sở NN-PTNT, hiện nay, phần lớn các hộ trồng cà phê đã và đang liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, HTX thực hiện chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều hộ sản xuất cà phê đã liên doanh, liên kết với Công ty Nestlé về Chương trình Nông nghiệp tái sinh sản xuất cà phê giảm phát thải, với diện tích hơn 3.300 ha. Trong năm 2022, Công ty đã hỗ trợ cho người dân 1.105.000 cây giống để thực hiện chương trình này.
Bên cạnh đó, các hộ sản xuất cà phê còn liên kết với Doanh nghiệp Toàn Hằng (Đắk R’lấp) với diện tích 3.500 ha; liên kết với Công ty TNHH Tấn Lộc triển khai Chương trình cà phê 4C và cà phê giảm thải; liên kết với Công ty TNHH Neumann Gruppe VN – CN Đắk Nông sản xuất cà phê có chứng nhận NKG Verified; liên kết với Công ty TNHH VOLCAFE Việt Nam sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn RA tại Đắk R’lấp và Gia Nghĩa…
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT đánh giá, sản xuất cà phê ở Đắk Nông ngày càng tiến tới chuyên nghiệp, chuẩn hóa các quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Đây là cơ sở để Đắk Nông hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê đạt các tiêu chuẩn quốc tế.