Doanh nghiệp cần vốn
Là doanh nghiệp khởi nghiệp gần 10 năm tại địa phương, sản phẩm của Công ty TNHH MTV Cà phê bazan Đắk Nông hiện đã có mặt ở nhiều thị trường lớn.
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty thông tin, hiện nay, cơ hội cho nông sản phát triển rất mạnh. Qua những lần xúc tiến thương mại ở các nước cho thấy, người tiêu dùng ở đây rất trân trọng chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
Sản phẩm của công ty khi có mặt ở các sự kiện lớn luôn nằm ở top đầu. Đặc biệt, sản phẩm ca cao được đối tác đánh giá cao về chất lượng. Sản phẩm hiện đã có mặt ở thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ…
Mong muốn sắp tới, sản phẩm nông sản của doanh nghiệp sẽ được kết nối ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
Để phát triển tốt định hướng này, ông Hoàng hi vọng sẽ được kết nối sâu hơn nữa với các ngân hàng, tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đắk Nông Nguyễn Ngọc Chính cho hay, hội hiện có gần 300 hội viên tham gia sinh hoạt. Các doanh nghiệp hội viên chủ yếu là mới khởi nghiệp nên khó khăn lớn nhất vẫn là vốn.
Ngoài nguồn vốn đầu tư xây dựng, mở rộng nhà xưởng, kho bãi, mua sắm máy móc, thiết bị, các doanh nghiệp trẻ rất cần dòng vốn lưu động để dự trữ nguyên liệu, duy trì sản xuất, phát triển đơn hàng…
Trong khi đó, tài sản của các doanh nghiệp hầu như không có hoặc rất ít, gây khó khăn cho vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay từ phía các tổ chức tín dụng.
Thời gian tới, hội sẽ chủ động hơn nữa trong việc tổ chức các hoạt động kết nối giữa các hội viên với lãnh đạo tỉnh, ngân hàng để hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Kỷ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Nông cho hay, cộng đồng doanh nghiệp hiện đang rất cần kết nối với các ngân hàng để khơi thông tín dụng.
Theo ông Kỷ, trong giai đoạn hiện nay, giá nông sản tăng cao thì dòng vốn phải tăng theo để giúp doanh nghiệp đủ dòng tiền vận hành.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh cần nguồn tín dụng thông qua hình thức tín chấp để có thể nhập nguồn hàng hóa lớn từ nước ngoài về phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp khát vốn, một phần vì chưa đáp ứng được các điều kiện hoặc đang phải thế chấp bằng tài sản. Như vậy rất hạn chế tới sự phát triển.
Chủ động kết nối
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng trong tỉnh đang đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức.
Chương trình đã giúp doanh nghiệp được tiếp cận thêm các thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; các chương trình, chính sách tín dụng mới; hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu những sản phẩm chủ lực…
Tại Hội nghị kết nối tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp Đắk Nông diễn ra vào tháng 10 vừa qua, các tổ chức tín dụng của Đắk Nông tập trung giới thiệu nhiều gói vay dành cho doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi.
Cụ thể, Agribank Chi nhánh Đắk Nông có chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024, với lãi suất từ 3,5%/năm; chương trình cho vay ưu đãi tài trợ Dự án đầu tư dành cho doanh nghiệp với lãi suất từ 6%/năm; chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng pháp nhân của tập đoàn/tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước có lãi suất từ 2,5%/năm…
BIDV Chi nhánh Đắk Nông cũng ra gói tín dụng ngắn hạn dành cho doanh nghiệp với quy mô 300.000 tỷ đồng, có lãi suất từ 5,5 – 6%/năm; gói tín dụng ngắn hạn dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô 80.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 5,5 – 6%/năm…
Ngoài ra, các ngân hàng khác như Vietinbank, Vietcombank, Nam Á bank… cũng có những gói vay ưu đãi hấp dẫn dành cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Hà, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Đắk Glong cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện đang có 5 tổ chức tín dụng tham gia hoạt động.
Thời gian qua, hội đã chủ động tổ chức được 5 cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và ngân hàng, chính quyền để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về tín dụng.
Nhờ đó, một số doanh nghiệp trên địa bàn có cơ hội chia sẻ khó khăn, cập nhật thông tin và dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi. Việc hỗ trợ vay vốn giúp các doanh nghiệp kịp thời đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.
Theo ông Hà, một điểm thuận lợi nữa đó là hiện nay, các tổ chức tín dụng này đang là hội viên tham gia sinh hoạt trong hội. Việc này đã giúp các ngân hàng trực tiếp có cơ hội tiếp xúc, giới thiệu và phát triển sản phẩm dịch vụ hiệu quả, thiết thực.
Các ngân hàng thương mại cũng thuận lợi nắm bắt thông tin doanh nghiệp tốt hơn, hỗ trợ cho quá trình xử lý thông tin và thẩm định khách hàng vay. Từ đó nâng cao hiệu quả và chất lượng thẩm định tín dụng.
Từ thực tiễn cho thấy, qua chương trình, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay.
Không chỉ được ưu đãi về lãi suất, doanh nghiệp còn được hỗ trợ tư vấn về quản trị dòng tiền, điều hành hoạt động, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh thích ứng với tình hình thực tế…
Việc hỗ trợ vay vốn từ các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đang là giải pháp quan trọng, vừa giúp gia tăng mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế, vừa giúp ngân hàng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Nguồn: https://baodaknong.vn/ngan-hang-va-doanh-nghiep-dak-nong-ket-noi-de-cung-thang-234943.html