Các ngân hàng đang huy động nguồn lực để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội. Trong khi đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư nên thận trọng với phân khúc chung cư cao cấp, do cơ cấu thị trường bất động sản sắp tới sẽ có sự biến động lớn dưới tác động của nguồn vốn từ ngân hàng.
Sẵn sàng cho nhà ở xã hội
Chính phủ đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc phát triển nhà ở xã hội, giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương và liên tục thúc đẩy triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bày tỏ niềm tin rằng đề án này hoàn toàn khả thi. Ông cũng cho biết ngành ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, đồng thời triển khai các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp để hỗ trợ thực hiện đề án.
Hiện nay, nhiều ngân hàng đang tích cực triển khai gói tín dụng 145.000 tỷ đồng dành cho vay nhà ở xã hội. Lãnh đạo các ngân hàng nhận định rằng nếu cơ chế của gói tín dụng này được điều chỉnh hợp lý, tác động đến thị trường sẽ rất lớn, tương tự như gói 30.000 tỷ đồng trước đây.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, ngân hàng này đã phê duyệt 13 dự án nhà ở xã hội với tổng mức tín dụng 3.350 tỷ đồng và đang xem xét cấp vốn cho 5 dự án khác, với số tiền dự kiến 2.500 tỷ đồng.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ các cơ chế chính sách mới liên quan đến gói tín dụng 145.000 tỷ đồng. Trong các cuộc làm việc với ngành ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiên cứu chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng cho nhà ở xã hội, đặc biệt hướng tới người trẻ dưới 35 tuổi.
Theo các chuyên gia, với sự quyết liệt của Chính phủ, Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được triển khai thành công, góp phần định hình lại cơ cấu thị trường bất động sản. Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm của phân khúc cao cấp khi nhu cầu mua giảm.
Trên thực tế, giá chung cư cao cấp đang có dấu hiệu chững lại. Ông Nguyễn Quốc Hùng cảnh báo rằng từ năm 2025, các nhà đầu tư “ôm” chung cư cao cấp có thể đối mặt với rủi ro, bởi khi nhiều dự án nhà ở xã hội được triển khai, thị trường sẽ trở về giá trị thực, không còn tình trạng tăng giá 50-100% như trước.
Dự kiến, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng vốn vào phân khúc nhà ở xã hội trong thời gian tới. Nhiều ngân hàng đã sẵn sàng nguồn vốn để triển khai các gói vay ưu đãi dành cho lĩnh vực này.
“Khi thủ tục pháp lý của các dự án nhà ở xã hội được tháo gỡ và cơ chế tín dụng 145.000 tỷ đồng có những điều chỉnh phù hợp, dòng tiền đổ vào phân khúc này sẽ tăng mạnh, tạo động lực cho thị trường bất động sản sôi động hơn. Tôi tin rằng, từ nay đến năm 2030, mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được hiện thực hóa, giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp”, ông Hùng nhận định.
Không chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng và ngân sách
Bên cạnh nỗ lực giải ngân từ phía ngân hàng, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank, nhấn mạnh rằng để Đề án 1 triệu căn hộ được triển khai hiệu quả, các địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện việc lập, điều chỉnh và bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.
Đồng thời, cần công khai quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Ngoài ra, việc cân đối và bố trí ngân sách địa phương nhằm khuyến khích, đưa ra thêm các ưu đãi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này.
Theo nhiều ngân hàng thương mại, nguồn vốn dành cho các dự án nhà ở xã hội luôn sẵn có, không phải vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tín dụng trong lĩnh vực này chưa thể tăng mạnh do số lượng dự án nhà ở xã hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng gặp khó khăn về thủ tục hành chính, trong khi các chính sách ưu đãi hiện tại chưa đủ hấp dẫn để thu hút sự quan tâm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội đòi hỏi huy động tổng hợp nhiều nguồn lực, không chỉ từ ngân sách nhà nước hay vốn ngân hàng mà còn cần có sự tham gia của các nguồn vốn khác. Nhu cầu về nhà ở giá phù hợp cho người dân vẫn rất lớn, do đó, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ chế và chính sách hợp lý.
Về vấn đề này, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết trong thời gian qua, Bộ Xây dựng cùng các cơ quan liên quan đã tích cực sửa đổi và tháo gỡ nhiều vướng mắc liên quan đến quy hoạch quỹ đất, thủ tục đầu tư, xác định giá bán và đối tượng được mua nhà.
Đồng thời, Bộ cũng đã khẩn trương ban hành các thông tư, nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở. Nhờ vậy, nguồn cung dự án bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội, đã dần được cải thiện, với số lượng dự án tăng dần qua từng quý.
“Dù vẫn còn một số cơ chế ưu đãi chưa được hoàn thiện, nhưng hiện nay, nhiều chính sách đã trở nên rõ ràng, minh bạch hơn. Một số địa phương đã bắt đầu triển khai các dự án nhà ở xã hội với mức giá hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Chính phủ cùng các bộ, ngành đang quyết liệt thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội,” ông Dũng khẳng định.
Từ góc độ doanh nghiệp bất động sản, bên cạnh những vấn đề về vốn, lãi suất và thủ tục pháp lý, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định giới hạn lợi nhuận khi đầu tư vào nhà ở xã hội, hiện đang ở mức 10%. Theo các doanh nghiệp, mức lợi nhuận này chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.
Nguồn: https://baodaknong.vn/ngan-hang-dieu-tiet-dong-von-vao-bat-dong-san-243182.html