Ngân hàng Phát triển Mới của BRICS đang đối mặt với áp lực phải tăng cường huy động vốn và cho vay bằng đồng nội tệ của các nước thành viên.
Đồng tiền rand của Nam Phi tại Pretoria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), được thành lập bởi Nhóm các nền kinh tế mới nổi – BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – ngày 15/8 đã đóng cửa phiên đấu thầu trái phiếu lần đầu tiên bằng đồng nội tệ rand của Nam Phi, trong bối cảnh NDB đối mặt với áp lực phải tăng cường huy động vốn và cho vay bằng đồng nội tệ của các nước thành viên.
Hai nhà đầu tư tham gia đấu thầu cho biết hai loại trái phiếu do NDB phát hành bao gồm trái phiếu kỳ hạn 5 năm trị giá 1 tỷ rand (52,3 triệu USD) và trái phiếu kỳ hạn ba năm trị giá 500 triệu rand.
Trong đợt phát hành lần này, trái phiến bằng đồng rand kỳ hạn ba năm của NDB được định giá ở mức cao hơn lãi suất bình quân liên ngân hàng ba tháng Johannesburg (Jibar) 95 điểm cơ bản, trong khi trái phiếu bằng đồng rand kỳ hạn 5 năm được định giá ở mức cao hơn 105 điểm cơ bản so với Jibar.
Động thái này của NDB diễn ra ở thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sẽ nhóm họp tại thành phố Johannesburg vào tuần tới.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters của Anh gần đây, Giám đốc tài chính của NDB, Leslie Maasdorp cho biết ngân hàng này đặt mục tiêu tăng cho vay bằng đồng nội tệ từ khoảng 22% lên 30% vào năm 2026.
Cho đến nay, trái phiếu bằng đồng nội tệ do NDB phát hành phần lớn là bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu Nam Phi đã phải nỗ lực thu hút các nhà phát hành trái phiếu mới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong nước đang tìm kiếm tài sản tài chính chất lượng cao.
Chuyên gia Raphi Rootshtain, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Sasfin Wealth cho biết hầu hết các hoạt động cho vay ưu đãi ở Nam Phi là dành cho các công ty nhà nước.
NDB được thành lập vào năm 2015, có trụ sở chính tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ngân hàng được vận hành với mục tiêu huy động các nguồn lực tài chính cho cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển bền vững ở các nước thành viên BRICS, cũng như các nền kinh tế mới nổi khác./.