Nhiều ngân hàng liên tục giới thiệu các gói vay hỗ trợ tất toán sớm khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cạnh tranh, kèm theo cam kết tự động thanh toán dư nợ cũ cho khách hàng. Mức lãi suất áp dụng dao động từ 5% – 8%/năm, tùy thuộc vào kỳ hạn vay và điều kiện xét duyệt của từng khách hàng.
Lãi suất cho vay bất ngờ còn thấp hơn lãi suất huy động
Hơn một năm trước, Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực, bổ sung quy định cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được xem xét và quyết định cho khách hàng vay để thanh toán khoản nợ tại TCTD khác với mục đích phục vụ nhu cầu đời sống.
Trong “cuộc đua” cho vay để khách hàng tất toán khoản nợ trước hạn tại ngân hàng khác, những ngân hàng có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chi phí vốn đầu vào thấp cùng quy trình thẩm định và giải ngân hiệu quả sẽ chiếm ưu thế đáng kể.
Điển hình, Agribank vừa triển khai mức lãi suất vay hấp dẫn, thậm chí được đánh giá là “thấp không tưởng”. Lãi suất vay ngắn hạn của ngân hàng này hiện ngang bằng với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 3-11 tháng tại Agribank, dao động từ 2,5% – 3,5%/năm.
Cụ thể, từ nay đến hết ngày 31/12/2025, doanh nghiệp vay vốn Agribank để trả nợ trước hạn tại tổ chức tín dụng (TCTD) khác sẽ được hưởng chính sách lãi suất ưu đãi: Lãi suất vay ngắn hạn chỉ từ 2,4%/năm. Lãi suất vay trung và dài hạn từ 6,0%/năm, với thời gian hưởng lãi suất cố định lên đến 24 tháng.
Hạn mức vay tối đa tương đương với dư nợ gốc tại TCTD khác. Đối với khoản vay trung dài hạn chưa giải ngân hết, Agribank sẽ tiếp tục giải ngân phần còn lại theo hạn mức mà TCTD trước đó đã cấp cho khách hàng. Ngoài ra, khách hàng vay ngắn hạn còn có thể được hưởng chính sách ưu đãi về tài sản bảo đảm theo quy định từng thời kỳ của ngân hàng.
Theo tìm hiểu, lãi suất khoản vay ngắn hạn của Agribank hiện thấp hơn mức lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của phần lớn các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP). Trong khi đó, lãi suất vay trung và dài hạn cũng chỉ ngang bằng với lãi suất huy động của nhiều ngân hàng khác.
Hiện tại, nhiều ngân hàng đang triển khai các gói vay nhằm hỗ trợ khách hàng tất toán khoản nợ trước hạn tại ngân hàng khác, với lãi suất dao động từ 5% – 8%/năm, tùy thuộc vào kỳ hạn vay và điều kiện của từng khách hàng.
Trên thực tế, sau khi Thông tư mới có hiệu lực, các ngân hàng liên tục tung ra các gói vay ưu đãi nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, dù lãi suất vay trả nợ trước hạn có vẻ hấp dẫn, nhưng quy trình thủ tục lại là một trở ngại lớn. Nhiều ngân hàng yêu cầu khách hàng tự tất toán khoản vay cũ, chuyển tài sản bảo đảm sang thế chấp lại và thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định, vay vốn tại ngân hàng mới.
Chưa kể, khách hàng còn phải chịu phí phạt trả nợ trước hạn, thông thường từ 0,5% – 2%, thậm chí có thể cao hơn tùy vào quy định của từng ngân hàng. Ngoài ra, hàng loạt chi phí khác cũng phát sinh, bao gồm: phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký thế chấp mới, phí công chứng, phí bảo hiểm khoản vay mới,…
Việc chuyển tài sản bảo đảm từ ngân hàng cũ sang ngân hàng mới cũng tiêu tốn không ít thời gian và chi phí. Để được xét duyệt khoản vay, khách hàng cần có lịch sử trả nợ tốt theo dữ liệu từ CIC và chứng minh được nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo khả năng trả nợ.
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt
Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đang tích cực triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2025. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 16%, cao hơn so với các năm trước, trong bối cảnh Chính phủ kỳ vọng GDP tăng khoảng 8%.
Để đẩy mạnh giải ngân vốn, trong khi nhóm khách hàng tốt ngày càng khan hiếm do tình hình kinh tế, các ngân hàng đang tích cực triển khai chương trình cho vay trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với điều kiện linh hoạt và cởi mở hơn.
Theo các chuyên gia, với chính sách ưu đãi và thủ tục hỗ trợ linh hoạt, các ngân hàng đang nỗ lực thu hút khách hàng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, bất động sản vẫn là kênh giải ngân quan trọng, đặc biệt là phân khúc nhà ở phục vụ nhu cầu thực.
Trước đây, khách hàng vay mua nhà phải chịu lãi suất cao. Nay, với chính sách vay trả nợ trước hạn ngân hàng khác cùng lãi suất cạnh tranh, cuộc đua thu hút khách hàng giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt.
Nhiều khách hàng sau khi hết giai đoạn ưu đãi lãi suất tại ngân hàng cũ phải chịu lãi suất thả nổi lên tới 11-12%/năm. Trong khi đó, lãi suất ưu đãi giai đoạn đầu khi chuyển sang ngân hàng mới chỉ từ 5-7%/năm.
Khoản chênh lệch này cao hơn đáng kể so với phí phạt trả nợ trước hạn, khiến nhiều khách hàng sẵn sàng chấp nhận phí phạt để hưởng lợi từ chính sách vay mới.
Nguồn: https://baodaknong.vn/ngan-hang-chay-dua-thu-hut-khach-vay-de-tat-toan-no-tai-to-chuc-khac-243288.html