Thẩm định giá trị tài sản thấp
Ngày 20/12/2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội nghị kết nối, làm việc giữa chính quyền, ngành ngân hàng với các doanh nghiệp, người dân về hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tín dụng.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề các tổ chức tín dụng tại Đắk Nông thẩm định giá trị tài sản còn thấp. Trong khi, cùng tài sản, cùng quy mô, doanh nghiệp Đắk Nông tiếp cận được nhiều vốn vay hơn từ các tổ chức tín dụng ngoại tỉnh.
Ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Long Huệ (Đắk Nông) cho rằng, cùng một quy mô dự án, một tài sản thế chấp nhưng ngân hàng tại Đắk Nông cho vay rất thấp.
“Ngân hàng Đắk Nông thường định giá thấp hơn khoảng 1,5 lần so với các ngân hàng ngoại tỉnh. Trong khi, ngoài tài sản, nhiều doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh rất tốt”, ông Long chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, bà Bùi Thị Khánh Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông cho rằng, thẩm định tài sản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh rất thấp. Vì thế, nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
“Ngân hàng thẩm định thấp hơn các tổ chức tín dụng bên ngoài khoảng 1,5 lần. Điều này bắt buộc nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận vay vốn các tổ chức tín dụng ngoại tỉnh để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh”, bà Hòa cho biết.
Liên quan đến định giá tài sản thấp, Phó Giám đốc Ngân hàng NN -PTNT (Agribank) Chi nhánh Đắk Nông Thân Văn Chí khẳng định, nếu cùng một hệ thống mà ngân hàng ở Đắk Nông thẩm định thấp hơn ngân hàng các tỉnh khác là hoàn toàn không có. Bởi tất cả các tổ chức tín dụng cùng hệ thống đều phải tuân chỉ theo quy định của hội sở Trung ương.
“Sẽ không có chuyện Agribank Đắk Nông cho vay thấp hơn Agribank các tỉnh khác. Có chăng là sự khác nhau giữa các tổ chức tín dụng khác hệ thống. Bởi thật ra, mỗi ngân hàng sẽ có khẩu vị, sự đánh giá khác nhau đối với khách hàng của mình”, ông Chí cho biết.
Giám đốc Ngân hàng Đầu tư phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) Trần Đình Tiến cho hay, một số doanh nghiệp, người dân đã được đơn vị định giá tài sản xong xuôi. Tuy nhiên, năm 2024, tài sản đó lại vướng quy hoạch. Khi đó, đơn vị định giá sẽ điều chỉnh lại giá trị tài sản.
“Có những tài sản rất lớn, nhưng khi định giá lại không đủ điều kiện để vay vốn. Điều này khiến cả ngân hàng và khách hàng đều rất khó xử”, ông Tiến cho biết.
Chưa mạnh dạn cho vay tín chấp
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, lĩnh vực cho vay tín chấp tại Đắk Nông còn rất yếu. Nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực phân bón, nông sản rất khó được vay theo tín chấp.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trí Kỷ nhấn mạnh, cho vay thế chấp còn khó khăn về cơ chế, chính sách, tài sản bảo đảm. Riêng về vay tín chấp lại càng khó hơn nữa.
“Ngân hàng Đắk Nông thường lựa chọn khách hàng an toàn, ngành nghề an toàn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp Đắk Nông rất khó tiếp cận vốn”, ông Kỷ khẳng định.
Về cho vay tín chấp, ông Trần Đức Bình, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho rằng, hiện nay, rất ít nông dân được vay tín chấp theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo ông Bình, thực chất cho nông dân vay vốn rủi ro rất thấp, vì họ có đất, rẫy sản xuất.
“Chúng tôi có đất, có tư liệu sản xuất mới dám vay vốn. Nông dân dám vay, dám làm, dám trả nợ. Các ngân hàng nên linh động, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn”, ông Bình đề xuất.
Liên quan đến cho vay tín chấp, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Nguyễn Anh Tú cho rằng, nhu cầu vốn sản xuất của người dân rất lớn. Các tổ chức tín dụng nên cơ cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho vay tín chấp đối với người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng lớn như Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank… đã triển khai nhiều gói tín chấp cho khách hàng.
Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Đắk Nông Phạm Văn Hưng khẳng định, mỗi ngân hàng sẽ có tiêu chí đánh giá khác nhau. Ngân hàng rất muốn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn để khơi thông nguồn vốn.
“Đối với BIDV Đắk Nông rất ưu ái cho doanh nghiệp vay tín chấp nếu đủ điều kiện. Hiện nay, có những doanh nghiệp lớn tại Đắk Nông đang được vay tín chấp tại BIDV lên tới 50% giá trị”, ông Hưng khẳng định.
Nguồn vốn tín dụng tại Đắk Nông năm 2024 là 52.200 tỷ đồng, tăng 15,09% so với năm 2023. Mức tăng trưởng tín dụng của Đắk Nông dẫn đầu khu vực Tây Nguyên
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đắk Nông
Tăng cường chia sẻ
Liên quan đến khơi thông nguồn vốn cho khách hàng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông Phạm Thanh Tình cho rằng, cần phải có tiếng nói chung để thỏa mãn được yêu cầu của các bên.
Về phía ngân hàng sẽ tích cực hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân. Nếu nằm trong tiêu chí, ngân hàng sẵn sàng cho vay để khơi thông vốn.
Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp cần xây dựng tiềm lực tài chính, báo cáo rõ ràng. Mỗi doanh nghiệp phải xây dựng mối quan hệ đối tác truyền thống để các tổ chức tín dụng xem xét cho vay.
Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Đình Ninh cho rằng, năm 2025 và những năm tiếp theo, dự báo tình hình kinh tế – xã hội của Đắk Nông chắc chắn thuận lợi hơn rất nhiều so với những năm trước.
Bởi vì, vấn đề quy hoạch bô xít của tỉnh sẽ được tháo gỡ. Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 đã được Quốc hội thông qua. Tất cả những điều này sẽ tháo gỡ vướng mắc trong quy hoạch bô xít tại Đắk Nông. Khi đó, tất cả các lĩnh vực sẽ được khơi thông để phát triển.
Dự án Đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) sẽ khởi công trong năm 2025. Khi đó, bất động sản sẽ nóng lên, ngân hàng giao dịch nhiều.
Các doanh nghiệp tìm đến Đắk Nông sẽ nhiều hơn. Lĩnh vực nông nghiệp của Đắk Nông sẽ khởi sắc hơn khi giá cả nông sản đang ở mức cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười chỉ đạo ngành Ngân hàng làm tốt công tác tuyên truyền, chủ động tìm khách hàng người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề xuất Trung ương nới room tín dụng cho Đắk Nông. Bởi vì, Đắk Nông có những đặc thù riêng so với những địa phương khác. “Chính quyền Đắk Nông sẵn sàng đồng hành với ngành Ngân hàng kiến nghị trong vấn đề này”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ngân hàng chủ động kết nối với chính quyền địa phương, cùng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân làm thủ tục vay vốn.
Phía doanh nghiệp phải tự khẳng định thương hiệu, nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ đẹp, báo cáo tài chính rõ ràng để tạo uy tín cho ngân hàng.
Nếu một doanh nghiệp yếu, nhiều đơn vị cùng hợp lực lại để tăng sức mạnh cho doanh nghiệp. Về phía chính quyền địa phương cần chủ động triển khai gặp gỡ giữa doanh nghiệp, ngân hàng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc hiện hữu giữa các bên.
“Ngân hàng có gắng chia sẻ, đồng hành với người dân, doanh nghiệp Đắk Nông. Doanh nghiệp Đắk Nông phải mạnh mẽ, uy tín, chất lượng, kết hợp nguồn lực bản thân với vốn vay ngân hàng để tạo sức mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh.
Đến hết tháng 10/2024, có 807 trong tổng số 4.700 doanh nghiệp vay vốn từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn Đắk Nông. Tổng dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp gần 7.446 tỷ đồng, chỉ chiếm 14,8% trong tổng dư nợ toàn nền kinh tế tại Đắk Nông.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đắk Nông
Nguồn: https://baodaknong.vn/ngan-hang-can-chia-se-voi-nguoi-dan-doanh-nghiep-dak-nong-237519.html