Ngày 10/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), chủ trì Hội nghị về công tác PCTT và TKCN năm 2024.
Trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố thiên tai, làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỷ đồng.
Năm 2024, thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như: rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đều khẳng định, thiên tai ngày càng có xu hướng phức tạp, gây ảnh hưởng lớn, đòi hỏi sự phòng, chống liên tục, hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Các cấp, các ngành nâng cao chất lượng công tác cảnh báo, dự báo, ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng, chống thiên tai. Hoạt động thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng dân cư về thiên tai được nhiều đại biểu cho là một giải pháp hiệu quả…
Tham luận tại hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN -PTNT Đắk Nông cho biết, năm 2023, thiên tai xảy ra gây hậu quả lớn trên địa bàn Đắk Nông.
Thiên tai gây ảnh hưởng lớn đến hạ tầng thủy lợi, giao thông, nhà ở của người dân. Tổng thiệt hại của Đắk Nông do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh ước trên 1.000 tỷ đồng.
Đắk Nông đề xuất 2 giải pháp lớn để phòng, chống thiên tai. Trước hết, cần nâng cao độ che phủ rừng. Giải pháp tiếp theo là tổ chức lại sản xuất toàn ngành nông – lâm nghiệp theo hướng đa tầng, đa tán, đa mục đích để thích ứng một cách lâu dài với thiên tai.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng: Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề thiên tai lớn và có tính toàn cầu, cần tập trung đồng bộ các giải pháp để ứng phó.
Trước hết, các cấp, ngành thực hiện tốt các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống thiên tai; kiện toàn tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo dân sự phòng thủ quốc gia, ban chỉ huy các cấp bảo đảm liên tục, hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác cảnh báo dự báo theo dõi, giám sát…