Nếu như không có cú nài nỉ dừng chân ở Đăk Mil để “nhậu một bữa chơi” với người quen cũ của người bạn đồng hành, thì có lẽ Đăk Nông đã vụt qua tôi trong màn đêm trong chuyến xe chạy từ Pleiku đi Đà Lạt. Thế nhưng, lời rủ rê “tao ngộ chiến” đó bỗng nhiên lại trở thành căn cớ cho một cuộc ngao du thú vị sau này.
Cuộc cà phê thú vị tại nhà sàn Montagnard ở Đăk Mil. Ảnh: An Lê
BUỔI CHIỀU MONTAGNARD
Một năm sau lời rủ rê trên, tôi lại trở lại Đăk Nông, lần này với chủ ý đi khám phá mảnh đất này vì vẻ đẹp thực sự và còn nguyên sơ, chứ không chỉ vì những mảnh ấn tượng như dự án bô-xít ở một tỉnh mới được tái thành lập hơn 20 năm nay. Lần này, Đăk Mil đón tôi bằng một cơn mưa xối xả bất thường vào đầu mùa khô.
Hóa ra, Đăk Mil trông rất khác vào ban ngày. Vẻ xám mờ của một chiều mưa biên giới khiến cho nơi đây phảng phất một nét quen thuộc của những phố núi Tây Nguyên như Măng Đen hay Đà Lạt. Dưới làn voan mỏng của nước, sắc đỏ của đất bazan càng rực lên, giống như sắc vàng thắm của những vạt dã quỳ cuối vụ.
Lần mò mãi theo Google Map và “gọi điện cho người thân”, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà của người bạn. Đó là một căn nhà sàn dựng theo nếp nhà của người Thượng – cách gọi những dân tộc bản địa sống ở cao nguyên M’nông này nghìn xưa, cũng tương tự người miền núi hay người vùng cao.
Montagnard – nhà sàn người Thượng – là tên của căn nhà do chính chủ nhân của nó đặt, dày đặc những chất liệu vật chất của người M’Nông và Ê-đê với những vật dụng sinh hoạt, hoa văn, kiểu cách bài trí… đã tạo nên một không gian rất Montagnard.
Cái lạnh của chiều mưa lê thê tưởng chừng bất tận đó đã lên men cho một cuộc cà phê thú vị. Cứ mặc cho những giọt nước kêu tí tách trên mái tôn hay rào rào qua tán lá, hương vị thơm ấm của các loại cà phê cứ lần lượt lên hương qua các kiểu pha chế khác nhau.
Câu chuyện cũng bừng lên theo sự phấn khích mà chất cafein mang lại, về mảnh đất Đăk Mil này từ thuở xa xưa cho tới ngày nay, về nhà thám hiểm Henri Maitre và cuốn sách “Rừng người Thượng” khảo cứu vùng rừng núi cao nguyên miền Trung Việt Nam…
Nếu được biểu thị bằng màu sắc, Đăk Mil sẽ là một chấm đỏ sét, màu của đất đỏ bazan và cũng là màu chủ đạo của vùng đất này. Đăk Mil nằm gần công viên địa chất núi lửa Krông Nô nên có địa hình cao nguyên đất đỏ bazan màu mỡ. Những ngọn núi lửa của hàng triệu năm trước đã phun trào rồi tắt lửa, mặc cho gió nước biến dòng magma thành thứ đất quý giá, giàu dinh dưỡng này.
Nhờ thế, cảnh sắc Đăk Mil trông rất tiêu, điều nhưng không phải tiêu điều. Bởi nơi đây, muôn vàn rẫy hồ tiêu, rẫy điều sinh sôi nảy nở trên nền đất đỏ bazan để rồi đem đến một nguồn lợi cây công nghiệp dài ngày rất lớn cho người dân. Mà đâu chỉ có tiêu, điều hợp thổ nhưỡng, còn cao su, chè, cà phê, mắc ca, ca cao, sầu riêng, bơ… cũng rất mến chuộng chất đất nơi đây.
Địa hình cao ở phía Nam và thấp về phía Bắc (từ 900m xuống 400m) của Đăk Mil đã khiến nơi đây trở thành vùng chuyển tiếp giữa 2 tiểu vùng khí hậu Đăk Lăk và Đăk Nông với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo với 2 mùa rõ rệt trong năm là mùa mưa và mùa khô.
Về mặt thủy văn, Đăk Mil có hệ thống suối dày đặc, trở thành nguồn nước đầu tiên của 2 con sông Sê-rê-pôk và Đồng Nai hùng vĩ. Điều này lý giải tại sao Đăk Mil có chữ Đăk (nước – theo ngôn ngữ bản địa) trong tên của mình giống như Đăk Lăk hay Đăk Nông.
Thưởng thức cà phê thú vị tại nhà sàn Montagnard ở Đăk Mil. Ảnh: An Lê
HỒ TÂY TRÊN CAO NGUYÊN
Đang lan man về đất, nước và những chuyện lạ của mảnh đất nằm cạnh biên giới Campuchia, chủ nhân của bữa cà phê đưa ra một câu hỏi: “Các anh chị có biết ở Đăk Mil này cũng có Hồ Tây như ngoài Hà Nội không, tất nhiên Hồ Tây ở đây chỉ nhỏ bằng 1/5 Hồ Tây ngoài Bắc?”.
Chúng tôi khá ngỡ ngàng với thông tin này, bởi hồ nước thì đâu chẳng có nhưng là Hồ Tây thì thật lạ lùng. Cứ ngỡ, trần đời này chỉ có 2 Hồ Tây mà thôi, một ở Hàng Châu (Trung Quốc) và một ở Hà Nội. Thế nên, chúng tôi không thể ghìm được sự tò mò, phải đi xem Hồ Tây Đăk Mil như thế nào?
Hồ này không phải vì nằm ở phía Tây kinh thành như Hồ Tây của Hà Nội và Hàng Châu mà có tên là Hồ Tây. Hồ cũng không phải trời sinh ra thế như ở Hàng Châu, cũng không phải do trâu vàng tìm mẹ đồng đen mà đào ra như truyền thuyết của Hồ Tây Hà Nội.
Con hồ bán nhân tạo này có tên Hồ Tây đơn giản là do Tây đào mà thành, nghĩa là chính quyền thực dân Pháp khi xưa đã đã đào hồ này vào thập niên 1940 nhằm mục đích biến các mạch nước nhỏ chảy ra từ khe nứt của núi lửa Nâm Gle ở vùng này thành một cái hồ để điều hoà cảnh quan và trữ nước cho các mục đích sử dụng khác nhau.
Hồ do Tây đào nên gọi là Hồ Tây, nhưng phải thừa nhận rằng, Hồ Tây chính là một điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp thơ mộng cho thị trấn Đăk Mil giống như “con mắt” Biển Hồ ở phố núi Pleiku hay hồ Xuân Hương của Đà Lạt. Với chu vi khoảng 10km, và diện tích mặt nước là 108ha, Hồ Tây là nguồn nước dồi dào cho các rẫy cà phê ở quanh đó.
Đó là một công trình không phải ngẫu nhiên mà có. Bởi ngay từ khi nảy sinh kế hoạch đào hồ, người Pháp đã tính toán rằng đây là nguồn nước để phục vụ cho việc trồng cà phê, thứ cây mà họ mang đến đây cũng vào thập niên 1940. Để rồi Đăk Mil trở thành trọng điểm cà phê của tỉnh Đăk Nông với hơn 20.000ha.
Cần biết, Đăk Nông là vùng trồng cà phê lớn thứ ba ở Việt Nam với 130 nghìn ha, với tổng sản lượng khoảng 350 nghìn tấn mỗi năm. Tuy nhiên, cái mà cà phê Đăk Mil hướng tới không phải về số lượng mà là chất lượng cao để “bán với giá bán cao” như kết luận của chủ nhân ngôi nhà.
Quay trở lại câu chuyện về Hồ Tây. Con hồ còn có một tên gọi khác là hồ núi lửa Đăk Mil. Những mạch nước ngầm nhỏ mà người Pháp đã quy tập thành Hồ Tây này chảy ra từ miệng núi lửa Nâm Gle, nằm trong hệ thống núi lửa của công viên địa chất toàn cầu Đăk Nông, nơi UNESCO công nhận và lên bản đồ vào năm 2023.
Hồ núi lửa được đánh số 23 trong tuyến đường khám phá “Bản giao hưởng của sóng gió mới” ở công viên địa chất toàn cầu này. Nếu dùng thiết bị chụp ảnh từ trên cao, chúng ta sẽ thấy Hồ Tây của Đăk Mil có đường vòng cung của một miệng núi lửa thật, có điều chỉ là một góc bán phần.
Cho dù Hồ Tây ở Đăk Mil không có nhiều huyền thoại và truyền thuyết như 2 cái Hồ Tây xịn, thế nhưng, nguồn gốc cổ đại của núi lửa đã khiến cho Hồ Tây này có một vẻ đẹp huyền bí và hấp dẫn riêng. Con hồ thực sự là một hòn ngọc quý, một giọt nước làm mát dịu Đăk Mil vào mùa khô mịt mù bụi đỏ!
Làn nước lạnh mát của Hồ Tây còn dung dưỡng một món đặc sản độc đáo và rất nổi tiếng ở Đăk Mil, đó là loài cá bống Hồ Tây. Loài cá này được nuôi trong điều kiện tự nhiên và sinh sôi nảy nở khá nhanh. Thịt cá mềm mịn, không bị tanh, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, ví dụ như món cá bống kho tộ.
Cá bống ướp đẫm gia vị, trong đó không thể thiếu những hạt tiêu đen được trồng ở đây, sau đó cho vào nồi đất đun với lửa nhỏ đến khi nước cạn thì tắt bếp. Thứ cá đó ăn với cơm nóng trong một ngày mưa lạnh như thế này thì quả là thần sầu, không gì có thể sánh bằng.
Chỉ như thế thôi cũng đủ làm lưu luyến trái tim và dạ dày của những hành nhân có một thoáng Đăk Mil!
Kỳ Lâm
Nguồn:https://laodong.vn/du-lich/kham-pha/mot-thoang-dak-mil-1445040.html