Khoảng 3 tháng nữa, nông dân Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông bước vào thu hoạch cà phê. Trước những biến động của giá mặt hàng này, nhiều doanh nghiệp, HTX lo ngại thiếu nguồn cung cà phê sạch.
Ông Võ Đình Danh, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil, huyện Đắk Mil cho biết, từ niên vụ 2023-2024, giá cà phê thị trường trong nước và quốc tế tăng đột biến nên gặp nhiều khó khăn trong thu mua cà phê tươi.
HTX cung cấp nguyên liệu và chế biến cà phê đặc sản nên cần nguồn cà phê quả tươi sản xuất theo các tiêu chuẩn 4C, hữu cơ… Cà phê bên cạnh đạt tiêu chuẩn sạch, HTX thu mua có tỷ lệ quả chín đạt tối thiểu từ 80 – 100%.
Thế nhưng, vụ mùa vừa qua, nhiều nông dân hái cà phê tỷ lệ quả chín chỉ khoảng 60 – 70% vì sợ mất trộm nên HTX gặp khó khăn trong thu mua nguyên liệu tốt.
Nói về vụ mùa sắp tới, ông Danh lo ngại lặp lại tình trạng hái cà phê xanh. “Chúng tôi đặt mục tiêu mua vào khoảng 100 tấn cà phê nhân sạch cung cấp cho đối tác và chế biến cà phê bột cho niên vụ 2024 – 2025. Chúng tôi lo ngại khó mua đủ số lượng trên”.
Các doanh nghiệp còn dự báo, bên cạnh nông dân lo ngại tình trạng mất trộm, “xanh nhà hơn già đồng” thì yếu tố chênh lệch giá giữa sản xuất cà phê thông thường và cà phê sạch cũng là rào cản gặp khó trong thu mua và bán ra.
Ông Trương Công Toàn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, huyện Đắk R’lấp cho biết, doanh nghiệp đang liên kết với nông dân trồng 10ha cà phê sạch, đạt 20 tấn cà phê nhân natural/vụ.
Để sản xuất vườn cà phê đạt natural, nông dân mất rất nhiều công chăm sóc, chi phí sản xuất cao. Nông dân phải lựa quả chín hái trước, những quả xanh chờ đến khi chín mới hái.
Hoặc nông dân phải chờ khi vườn đạt 100% quả chín mới hái. Tiếp đó, nông dân phải phơi trong nhà kính tới 15 – 20 ngày, gấp 2-3 thời gian so với cà phê nhân xô bình thường. Điều này làm tăng chi phí khá nhiều.
“Trước đây, chúng tôi bán cà phê bột natural với giá khoảng 120.000 đồng/kg là đối tác chấp nhận được, nhưng nay tăng lên 240.000 đồng/kg thì khó tiêu thụ. Vụ mùa tới, chúng tôi không chỉ lo ngại khâu thu mua mà còn lo về khâu tiêu thụ cà phê sạch vì giá đột biến”, ông Toàn cho biết.
Những hệ lụy của việc nông dân thu hoạch “xanh nhà hơn già đồng” làm giảm mạnh sản lượng cà phê sạch và về lâu dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cà phê Việt Nam. Trước thực tế này, các doanh nghiệp đã tính toán giải pháp.
Cũng theo ông Võ Đình Danh, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil, HTX đang vận động thành viên, nông dân mùa vụ tới không nên hái cà phê xanh.
Vì hái cà phê xanh sẽ giảm năng suất, chất lượng cà phê, ảnh hưởng lâu dài đến uy tín cà phê đặc sản. “Chúng tôi đang phối hợp với nông dân và chính quyền địa phương để bảo vệ vườn cà phê để tỷ lệ quả chín đạt tiêu chuẩn tốt”, ông Danh cho biết.
Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng đã tập huấn kỹ thuật canh tác và quản lý vườn cà phê theo hướng bền vững tương ứng với tiêu chuẩn bền vững RA (Rainforest Alliance), 4C cho 1.000 nông dân tại Đắk Nông.
Anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông, TP. Gia Nghĩa cho biết: “Những năm trước, chúng tôi cộng thêm 10.000 – 20.000 đồng/kg cà phê sạch để nông dân chăm sóc vườn cây. Hiện tại, để chủ động nguồn cung phục vụ chế biến cà phê bột đạt OCOP 4 sao, chúng tôi đang liên kết với hơn 100 nông dân trồng 200ha cà phê sạch.
Giá cà phê nhân xô đã có những biến động đáng kể trong thời gian gần đây không chỉ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong thu mua cà phê sạch mà còn tác động trực tiếp đến lợi nhuận của nông dân.
Do đó, áp lực tạo ra sản phẩm cà phê sạch ngày càng lớn, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp.
Nguồn: https://baodaknong.vn/moi-lo-xanh-nha-hon-gia-dong-cua-doanh-nghiep-ca-phe-dak-nong-230105.html