Đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh
Đúng một năm kể từ ngày được giao làm cơ quan có thẩm quyền, vào đầu tuần này, UBND tỉnh Bình Phước đã có Tờ trình số 75/TTr-UBND gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bản Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP (Dự án PPP cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành).
Đây là phân đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây được triển khai xây dựng theo phương thức PPP với nhà đầu tư đề xuất Dự án là Liên danh Tập đoàn Vingroup – Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Mặc dù mới dừng ở bước nghiên cứu sơ bộ, nhưng đã có thể có những cái nhìn tương đối tổng quan về phương án đầu tư Dự án PPP cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành thông qua Tờ trình số 75/TTr-UBND của UBND tỉnh Bình Phước.
Cụ thể, Dự án có điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 14 hiện hữu tại Km1915-900 (Km1796+800 lý trình cao tốc đường Hồ Chí Minh) thuộc tỉnh Đắk Nông; điểm cuối tuyến tại khu vực thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án là 128,8 km, trong đó chiều dài tuyến cao tốc là 126,8 km và 2 km tuyến kết nối từ nút giao cuối tuyến với cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa.
Theo Quy hoạch Mạng lưới dường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh. Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đối với chính tuyến cao tốc, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất phân kỳ đầu tư giai đoạn I với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh với chiều rộng mặt đường 24,75 m, riêng đoạn qua TP. Đồng Xoài, Bình Phước có chiều rộng mặt đường 25,5 m. Trong giai đoạn phân kỳ, Dự án vẫn thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch với 6 làn xe.
Với quy mô đầu tư nói trên, Dự án PPP cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 25.540 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 4.640 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 16.608 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 996 tỷ đồng; chi phí dự phòng 2.484 tỷ đồng; chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng.
Cần phải nói thêm, tại Tờ trình số 131.1/2023/TT-VGR-TCB ngày 9/5/2023, liên danh Vingroup – Techcombank đề xuất tổng mức đầu tư phân kỳ giai đoạn I (đã bao gồm phần vốn nhà đầu tư huy động, phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP và cả lãi vay với lãi suất 10,5%/năm) là 29.274 tỷ đồng.
“Phương án tổng mức đầu tư giai đoạn I là 29.274 tỷ đồng sau thuế là để đảm bảo tính đủ nguồn đầu tư cho Dự án, hạn chế phải thực hiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư làm chậm chễ tiến độ triển khai”, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Vingroup cho biết.
Ẩn số tiến độ
Với tổng mức đầu tư được tạm ấn định ở mức 25.540 tỷ đồng, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất phần vốn nhà nước tham gia thực hiện Dự án PPP cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành tối đa là 12.770 tỷ đồng (tương ứng 50% tổng mức đầu tư), trong đó tỉnh Bình Phước bố trí 3.000 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông bố trí 635 tỷ đồng; ngân sách trung ương bố trí 8.770 tỷ đồng.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, phần vốn nhà nước sẽ được ưu tiên chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và một phần kinh phí xây lắp, đồng thời không được tính trong phương án tài chính để xác định thời gian thu phí hoàn vốn.
Đối với phần vốn còn lại trị giá 12.770 tỷ đồng sẽ do nhà đầu tư PPP được lựa chọn chịu trách nhiệm thu xếp (bao gồm cả việc hoàn trả chi phí chuẩn bị dự án theo quy định của Luật Đầu tư PPP), trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 15%, vốn vay chiếm 85% tổng mức đầu tư. Mức lãi suất vốn vay được xác định là 10,7%/năm, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 11,5%/năm.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, kết quả tính toán, phân tích hiệu quả tài chính cho thấy, Dự án đảm bảo hiệu quả tài chính theo quy định, với các thông số như sau: giá trị hiện tại ròng (NPV) là 659,99 tỷ đồng; tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) 11,43%, tỷ suất lợi ích – chi phí (B/C) là 1,041, thời gian thu phí hoàn vốn là 17 năm 1 tháng.
Tại Dự án PPP cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82, Luật Đầu tư PPP. Nguồn vốn dự kiến sử dụng để chi trả phần doanh thu cho Dự án được đề xuất lấy từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương.
Để thuận tiện cho công tác triển khai, cơ quan có thẩm quyền đề nghị chia Dự án làm 3 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 – Đầu tư cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có tổng vốn đầu tư 20.900 tỷ đồng được triển khai theo phương thức PPP; Dự án thành phần 2 – Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư qua địa bàn tỉnh Đắk Nông có tổng vốn 635 tỷ đồng do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức thực hiện; Dự án thành phần 3 – Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư qua địa bàn tỉnh Bình Phước có tổng vốn 4.005 tỷ đồng do UBND tỉnh Bình Phước tổ chức thực hiện.
Việc lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án thành phần 1 được UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Tại Tờ trình số 75/TTr-UBND, UBND tỉnh Bình Phước vẫn đang chốt thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2022 đến 2025. Tuy nhiên, đây là thách thức rất lớn bởi chủ trương đầu tư dự án này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, trong khi bước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vẫn chưa được tiến hành.
“Ngay cả khi hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị, bao gồm cả phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2023, thì việc hoàn thành công trình có quy mô vốn rất lớn, phức tạp giải phóng mặt bằng với hơn 1.229 hộ dân bị ảnh hưởng vào năm 2025 đòi hỏi các chủ đầu tư phải có cách làm đột phá, sáng tạo”, một chuyên gia bình luận.